(HNM) - Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019-2020 vừa được công bố, chiều cao của thanh niên Việt Nam đã thay đổi mạnh, nam tăng 3,7cm và nữ tăng 1,4cm so với 10 năm trước đây, trong khi giai đoạn trước, trung bình chiều cao người trưởng thành chỉ tăng khoảng 1cm sau mỗi thập kỷ. Điều đó cho thấy, chiều cao và sức bền của người Việt hoàn toàn có thể được cải thiện, nếu có chiến lược đầu tư chế độ dinh dưỡng đúng cách.
Tốc độ tăng chiều cao gần gấp đôi
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 cho thấy, chiều cao trung bình nam thanh niên là 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010); nữ cao trung bình 156,2cm (tăng 1,4cm so với năm 2010). GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2000 đến 2010, chiều cao nam thanh niên chỉ tăng thêm 2,1cm và nữ tăng thêm 1cm. Tính chung, kể từ năm 1975, chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng 1,1cm mỗi thập niên. Như vậy, tốc độ tăng chiều cao của người Việt thập niên vừa qua (từ năm 2010 đến 2020) đã tăng gần gấp đôi tốc độ thập niên trước đó. Nếu duy trì được mức tăng trưởng trong các thập kỷ tới thì Việt Nam sẽ thu hẹp khoảng cách chiều cao với người Nhật Bản, Hàn Quốc - là những quốc gia có chiều cao hàng đầu châu Á.
Cũng theo GS.TS Lê Danh Tuyên, 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn cần can thiệp tích cực nhất để người trưởng thành đạt chiều cao tiềm năng. Khoảng thời gian này được tính từ thời điểm thụ thai cho đến khi trẻ 2 tuổi. Trong đó chia nhỏ làm 3 giai đoạn: 9 tháng mang thai, 1 năm đầu đời và 365 ngày năm thứ 2. Trẻ sinh ra càng bé thì chiều cao khi trưởng thành càng thấp. Thêm vào đó, khi lên 2 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi thì chiều cao khi trưởng thành cũng sẽ thấp. Do vậy, ngay từ giai đoạn tiền thai kỳ, phụ nữ cần ăn uống đầy đủ theo tháp dinh dưỡng mà Bộ Y tế đã phê duyệt, đồng thời bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng, như: Sắt, kẽm, vitamin A, canxi, iốt...
Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em vẫn ở mức cao. Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020, trên toàn quốc, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi là 58%, ở phụ nữ có thai là 63,5%. Đặc biệt, tỷ lệ này vẫn còn rất cao đối với trẻ em 6-59 tháng tuổi ở khu vực miền núi phía Bắc (67,7%), Tây Nguyên (66,6%) và còn cao hơn với đối tượng phụ nữ có thai ở miền núi phía Bắc (81,9%), Tây Nguyên (63,9%). Riêng khu vực đô thị, 5 năm qua (2015-2020), tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi ở mức 49,6% và hầu như không được cải thiện.
PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia lo ngại, nếu bà mẹ bị thiếu vi chất dinh dưỡng khi đang mang thai, sẽ dẫn đến các hậu quả như thai nhi kém phát triển, dễ bị sinh non, sinh thiếu cân, thiếu máu… Còn với trẻ em, thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện. “Trẻ không bị suy dinh dưỡng, thấp còi thì chiều cao khi trưởng thành có thể đạt 1,7m, nhưng nếu bị thấp còi thì chiều cao khi trưởng thành chỉ là 1,58m”, PGS.TS Lê Bạch Mai cho biết.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho rằng, nếu biết sử dụng đúng, cân đối khẩu phần ăn hằng ngày thì các thực phẩm thông thường cũng đáp ứng đầy đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết. Thế nhưng, nhiều bà mẹ lại quá tin vào những sản phẩm được quảng cáo giúp tăng chiều cao rao bán trên thị trường. Đây là sự lựa chọn khiến người dân chỉ có tốn tiền mà không mang lại hiệu quả.
Nếu can thiệp tốt, chiều cao người Việt tiếp tục tăng
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhìn nhận, nguyên nhân của thực trạng thấp lùn chủ yếu do vấn đề dinh dưỡng (chiếm đến 50%), rồi mới tới yếu tố di truyền (chiếm 20%). Để cải thiện chiều cao, thể lực của người Việt cần phải được can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt về chế độ dinh dưỡng, trọng tâm là chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ trong 1.000 ngày đầu đời, quan tâm đến phụ nữ mang thai và vận động thể lực cho lứa tuổi dậy thì. “Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời có thể giúp trẻ tăng trưởng chiều cao trên 10cm/năm. Thậm chí, nếu các bà mẹ chăm sóc con tốt, chiều cao của trẻ có thể tăng 12-14cm/năm”, GS.TS Lê Danh Tuyên khuyến cáo.
Còn theo bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, mỗi năm, nước ta có gần 2 triệu trẻ em mới ra đời. Do đó, việc giáo dục dinh dưỡng cho các bà mẹ, can thiệp phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em mới ra đời cần phải tiếp tục đẩy mạnh và duy trì. Các chủ đề chăm sóc dinh dưỡng quan trọng cần được coi là trọng tâm, đó là từng giai đoạn trong thai kỳ (3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối), nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung, chế độ ăn khi trẻ mắc bệnh, bổ sung vi chất, tẩy giun, tập luyện thể chất…
Từ kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019-2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cần hoàn thiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, phải đưa ra biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng theo từng vùng miền; xây dựng khẩu phần dinh dưỡng phù hợp cho từng đối tượng; đẩy mạnh chương trình bổ sung vitamin A, phòng, chống thiếu máu cho phụ nữ mang thai; rèn luyện thể lực học đường… Nếu triển khai hiệu quả tất cả các giải pháp can thiệp, chắc chắn chiều cao của người Việt tiếp tục tăng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.