Giao thông

Đề xuất gắn thiết bị giám sát hành trình trên xe cơ giới, xe máy chuyên dùng: Bước đột phá bảo đảm an toàn giao thông

Nhóm PV Ban Bạn đọc 23/09/2023 - 06:50

Theo Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đủ điều kiện được tham gia giao thông buộc phải có thiết bị giám sát hành trình.

Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung này là cần thiết, nhằm tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm an toàn giao thông. Song, quá trình triển khai cần cân nhắc cho phù hợp với thực tế.

giam-sat.jpg
Thanh tra giao thông Hà Nội kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên xe khách.

Góp phần bảo đảm an toàn giao thông

Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới nhất do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã bổ sung thêm quy định về điều kiện đối với xe cơ giới và xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập hình ảnh, dữ liệu người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.

Cũng theo Dự thảo Luật, cơ sở dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình sẽ được trung tâm chỉ huy giao thông do Cảnh sát giao thông quản lý, vận hành, khai thác, nhằm mục đích điều hành giao thông, giải quyết tai nạn, xử lý vi phạm và phòng chống tội phạm. Trước đó, theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thì xe kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính đến giữa tháng 6-2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô, gần 73 triệu mô tô, xe máy và hơn 1,8 triệu xe máy điện được đăng ký lưu hành. Như vậy, nếu quy định mới tại Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được thông qua, sẽ có thêm hàng chục triệu phương tiện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Anh Bùi Đức Thắng (tòa N08, Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên) nêu quan điểm: “Theo tôi, việc lắp đặt camera giám sát hành trình cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và truyền dữ liệu về một trung tâm để xử lý là cần thiết. Tuy nhiên, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe thì không nên, bởi đây là quyền riêng tư của mỗi người".

Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Caron (đơn vị chuyên cung cấp thiết bị giám sát hành trình) Nguyễn Hữu Phong, hiện thiết bị camera tích hợp chức năng giám sát hành trình rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã; giá từ 1,5 triệu đồng đến trên 10 triệu đồng/thiết bị tùy loại. Ông Nguyễn Hữu Phong cho rằng, thiết bị giám sát hành trình sẽ góp phần tích cực trong quản lý trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an ninh xã hội. Tuy nhiên, trước mắt cần khuyến khích các chủ phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thay vì quy định bắt buộc.

Cần sử dụng dữ liệu thu thập hiệu quả nhất

Theo Đại úy Hoàng Hữu Đức, báo cáo viên Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), hiện nay, hầu hết các chủ xe ô tô đã chủ động trang bị thiết bị giám sát hành trình kết hợp camera và nhiều chức năng khác. Thông qua thiết bị giám sát hành trình, chủ phương tiện sẽ có dữ liệu về quá trình tham gia giao thông để xử lý nếu có tình huống xảy ra; đồng thời giúp người điều khiển ý thức hơn trong tham gia giao thông; hỗ trợ tích cực cho cơ quan quản lý kiểm chứng các vi phạm một cách khách quan, chính xác nhất.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, quy định hiện hành chỉ bắt buộc xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đây là chủ trương đúng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhất là bảo đảm quyền lợi và an toàn cho hành khách nên các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải đều tuân thủ. Tuy nhiên, do trung tâm xử lý dữ liệu, điều hành hệ thống chưa đáp ứng yêu cầu, thường xuyên bị nghẽn mạng nên chưa phát huy hết tác dụng của “kho” dữ liệu thu thập được, gây lãng phí.

Trên cơ sở phân tích này, ông Bùi Danh Liên nhìn nhận, việc đề xuất xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải lắp camera giám sát hành trình mới được tham gia giao thông nêu tại Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ để quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông và nâng cao ý thức tự giác cho lái xe. Đây là đề xuất có tác động lớn đến người dân nên cần làm rõ việc quản lý, hình thành, tích hợp dữ liệu thu thập được sao cho hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, cơ quan chức năng nên có khảo sát, thí điểm vận hành quy trình quản lý để bảo đảm tính khả thi và không gây lãng phí, tốn kém cho chủ phương tiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất gắn thiết bị giám sát hành trình trên xe cơ giới, xe máy chuyên dùng: Bước đột phá bảo đảm an toàn giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.