Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tầm quan hệ truyền thống

Trung Hiếu| 12/04/2010 05:31

(HNM) - Là một lục địa rộng lớn, được Ấn Độ Dương bao bọc ở phía đông, Đại Tây Dương ở phía tây và Địa Trung Hải ở phía bắc, với diện tích hơn 30 triệu kilômét vuông, chiếm 1/5 diện tích toàn cầu, từ lâu châu Phi nổi tiếng với những mỏ kim loại quý hiếm như crôm (98%), côban (90%), platin (90%), mănggan (64%), vàng (50%), kim cương (50%), uranium (33%)...

Những năm gần đây, cùng với những mỏ dầu mới phát hiện ở khu vực Vịnh Guine, châu Phi nhanh chóng chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ phân phối năng lượng của thế giới. Hiện tại, trữ lượng dầu mỏ đã phát hiện ở châu Phi lên tới 8% trữ lượng và 10,2% sản lượng khai thác dầu của thế giới. Bên cạnh nguồn khoáng sản dồi dào, với diện tích trồng trọt mầu mỡ và những cánh rừng rộng lớn, châu Phi còn là nơi cung cấp nhiều mặt hàng nông - lâm sản nổi tiếng cho thị trường thế giới. Vì vậy, châu Phi không chỉ được các cường quốc thực dân trước đây đặt nền móng mà nhiều "nhà chiến lược" ngày nay đã quan tâm đến Lục địa đen này như một "thế giới mơ ước" về địa chính trị - kinh tế, thị trường nhiều tiềm năng.

Tuy cách xa về địa lý, nhưng hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi đã có từ rất sớm. Trong quá khứ, rất nhiều bè bạn châu Phi ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Bằng nhiều hình thức như biểu tình phản đối chiến tranh, đóng góp các nhu yếu phẩm… các bạn đã tạo nên một mặt trận rộng khắp giúp Việt Nam giành thắng lợi, thống nhất đất nước. Sau khi đất nước giành được độc lập, tuy chưa có điều kiện kinh tế - tài chính làm đòn bẩy cho sự hợp tác như các nước khác nhưng chúng ta đã sẵn sàng chia sẻ với các bạn châu Phi kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo thông qua tất cả những hình thức hợp tác trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp… làm cho bạn bè châu Phi tìm thấy ở Việt Nam một người bạn thủy chung, một đối tác tin cậy và chân tình. Vì vậy, Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Diễn đàn hợp tác Á - Phi (NAASP) và nhiều nước châu Phi chọn làm hình mẫu để học tập và làm đối tác trong mô hình hợp tác 2 bên, 3 bên ở châu Phi.

Hiện tại, nhìn vào cơ cấu kinh tế của châu Phi, có thể thấy còn nhiều lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có đất dụng võ, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự thiếu vắng trên thị trường những mặt hàng vật liệu xây dựng, các loại máy sản xuất nông nghiệp cầm tay, đồ gỗ dân dụng hoặc cao hơn là các thiết bị điện tử dân dụng, xe máy, xe đạp… cũng có thể là những gợi ý cho các doanh nghiệp tiến tới lập các cơ sở sản xuất tại chỗ hoặc thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm ở miền đất này. Cùng với đó là khả năng triển khai các dự án liên danh hoặc thuê đất lập trang trại trồng lúa, cây công nghiệp, các loại cây trái mang lại hiệu quả kinh tế cao đáp ứng nhu cầu của châu Phi hiện nay và để xuất khẩu.

Những năm gần đây, quan hệ Việt Nam với các nước châu Phi tiếp tục được thắt chặt. "Chương trình hành động thúc đẩy quan hệ Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2004-2010" của Chính phủ đang mang lại nhiều kết quả khả quan trong hợp tác với các nước ở lục địa này. Năm 2010, Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại lên 3 tỷ USD (tăng gần 0,5 tỷ USD so với năm 2009), trong đó xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD. Quyết tâm này đã khẳng định vai trò ngày một quan trọng của thị trường này trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

Do đó, chuyến thăm tới 2 quốc gia là Tuynidi (từ ngày 12 đến 13-4) và Angiêri (từ ngày 14 đến 15-4) của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là một biểu hiện sinh động cho quyết tâm ấy. Chắc chắn, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Tuynidi, Angiêri không những được thúc đẩy, tăng cường mà từ đó sẽ trở thành bàn đạp để Việt Nam và các nước châu Phi tiến xa, tiến mạnh hơn trên con đường hợp tác, cùng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm quan hệ truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.