(HNM) - Dự báo, đợt nắng nóng này kéo dài đến hết ngày 3-6, với khả năng nhiệt độ cao nhất lên 39 độ C, có nơi hơn 40 độ C. Khu vực Hà Nội có nhiệt độ cao nhất 37-38 độ C.
Dự báo, đợt nắng nóng này kéo dài đến hết ngày 3-6, với khả năng nhiệt độ cao nhất lên 39 độ C, có nơi hơn 40 độ C. Khu vực Hà Nội có nhiệt độ cao nhất 37-38 độ C. Theo trung tâm, hiện phía Bắc đang duy trì một rãnh áp thấp. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp, dự báo trong ngày 4 và 5-6, ở các tỉnh Bắc Bộ đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Tại khu vực Hà Nội, từ gần sáng và ngày 4-6 có mưa vừa, mưa to và dông.
Ảnh: Bùi Việt |
• Chiều 1-6, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn đã ký công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về tăng cường phòng chống bệnh do vi rút đường ruột Coxsackie. Theo đó, vi rút Coxsackie là vi rút đường ruột có khả năng gây nhiều bệnh (như viêm não, tay chân miệng…) và là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh vào mùa hè hay gặp ở trẻ em. Từ ngày 20-4 đến 31-5, tại huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) đã ghi nhận 27 trường hợp mắc bệnh do vi rút đường ruột Coxsackie (độ tuổi mắc bệnh từ 2 đến 22 tháng tuổi), trong đó có 7 trường hợp tử vong (dưới 6 tháng tuổi). UBND tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định công bố dịch bệnh do vi rút đường ruột Coxsackie A6 quy mô cấp xã trên địa bàn tỉnh. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, thành phố tổ chức tốt việc chẩn đoán sớm, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, thông báo kịp thời cho trung tâm y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch; đặc biệt là tăng cường tập huấn, chẩn đoán, điều trị các bệnh do vi rút Coxsackie cho các cán bộ y tế.
Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, thành phố vừa ghi nhận một ca bệnh đầu tiên tử vong do viêm não mô cầu. Theo báo cáo của Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, bệnh nhi nữ 5 tháng tuổi (ở Quận 11) nhập viện lúc 16h ngày 28-5 với những dấu hiệu bú kém, xuất hiện những đốm xuất huyết ở hai bên đùi, sốt cao, môi tái, tím tái. Do bệnh diễn biến rất nhanh nên sau hơn 8 giờ đồng hồ nhập viện bé tử vong. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi dương tính với vi khuẩn não mô cầu týp B.
Theo ghi nhận của phóng viên Hànộimới chiều 1-6, số bệnh nhi đến khám bệnh tại một số BV không tăng nhưng số bệnh nhân nhập viện do nắng nóng lại gia tăng. Cụ thể, tại BV Đa khoa Xanh Pôn, số bệnh nhi nhập viện tăng 10-15% với các bệnh thường gặp khi thời tiết nắng nóng như viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp tính, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa… Đặc biệt, tại đây đang điều trị cho 2 trường hợp viêm màng não mủ. Người dân cần chú ý khi thời tiết nắng nóng, không cho trẻ ra ngoài trời từ 10h sáng tới 4h chiều, đặc biệt là đi bơi. Khi có dấu hiệu sốt cao, say nắng cần đến ngay các cơ sở y tế. Còn tại BV Nhi trung ương, lượng bệnh nhi đến khám không tăng, khoảng 2.500-3.000 lượt bệnh nhi/ngày với các bệnh lý liên quan tới hô hấp, tiêu hóa, có một số ít bệnh nhân viêm não vi rút. Thời điểm mùa hè, nhiệt độ tăng dần là thời điểm thuận lợi cho bệnh viêm não, viêm màng não "vào mùa".
• Sở Y tế Hà Nội cũng đã có công văn yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường công tác phòng chống nắng, nóng. Theo đó, các BV cần chuẩn bị đủ phương tiện chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị nội trú, đồng thời yêu cầu các BV bổ sung thêm quạt, bạt che nắng, cung cấp đủ nước uống, nước sinh hoạt và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho người bệnh. Các BV cũng phải thực hiện việc giảm quá tải tại khu vực khoa khám bệnh, tăng cường khám theo hẹn để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, đồng thời tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về cấp cứu, xử lý các trường hợp say nắng, say nóng và các bệnh dịch thường gặp trong mùa nắng nóng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.