Văn hóa

Nâng niu thế giới của những điều khác biệt

Phương Thúy 15/06/2024 15:00

"Tò he" là một sân chơi nghệ thuật dành cho trẻ tự kỷ, ra đời cách đây 18 năm, với phương châm tạo ra không gian an toàn, khuyến khích các em thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn. Ở đây, nghệ thuật như một loại trợ lực để giáo viên tiếp cận và nâng đỡ các em sáng tạo. Mới đây, các bạn nhỏ của lớp học "Tò he" đã giới thiệu tác phẩm trong triển lãm “Chèo méo”, tại Trung tâm Triển lãm nghệ thuật 29 Hàng Bài, Hà Nội.

7(1).jpg
Một số hoạt động tại triển lãm "Chèo méo". Ảnh: Tò he.

Kể chuyện theo cách riêng

Triển lãm “Chèo méo” giới thiệu tác phẩm của 18 em có hội chứng tự kỷ, một em thể chậm phát triển, có sự đồng hành của các cô giáo lớp đào tạo nghệ thuật chuyên sâu "Tò he" và gia đình các em. Với các tác phẩm tranh vẽ, sắp đặt, video art, sách... triển lãm như một cách để đi vào thế giới của trẻ tự kỷ, cho thấy cách tiếp cận khác để các bạn trẻ tự kỷ hòa nhập hơn với cộng đồng.

8(1).jpg
Một số hoạt động tại triển lãm "Chèo méo". Ảnh: Tò he

Nhật Tiến tham gia lớp "Tò he" từ năm 2019. Trong ấn tượng của mọi người, Nhật Tiến luôn đeo kính, đội mũ và đeo khẩu trang, không thích mọi người đến gần. Nhưng dần dần, cậu bé đã hòa nhập với mọi người, từ từ tháo bỏ những thứ giống như “lớp vỏ” bên ngoài. Tranh của Nhật Tiến khá lạ, gây tò mò với người xem khi hầu hết các tác phẩm đều xuất hiện chú công an, bộ đội bước đều cùng các người lính thời phong kiến trên nền đồng cỏ xanh tươi. Em vẽ tranh khi tay đang bị nẻ trong tiết trời mùa đông, vì thế, tuýp kem xuất hiện trong bức tranh một cách vừa có chủ ý, vừa ngẫu hứng.

Còn cậu bé Lưu Nguyễn Sae Hee lại vẽ bức tranh chợ nổi ở Hàn Quốc bán đầy đủ các loại trái cây, mà ở đó chúng có thể đối thoại với nhau. Trái cây - cũng có thể trở thành những du khách trên một con thuyền với cách tạo hình ngộ nghĩnh, vừa giống siêu nhân, vừa có thể tưởng tượng như loài thủy quái...

Ở đây, vẽ tranh là phương thức các em sử dụng để kể câu chuyện theo cách của mình. Mỗi hình ảnh từ trải nghiệm thực tế được nhấn nhá bằng trí tưởng tượng, trôi theo cảm xúc và khiếu hài hước vô tận. “Chèo méo” đơn giản là những câu chuyện thật, những vấn đề xoay quanh cuộc sống của các em một cách gần gũi nhất, để có thể sau triển lãm, “nếu gặp các bạn ấy ở những không gian công cộng, chúng ta sẽ biết cách tương tác, cư xử một cách linh hoạt hơn, mềm dẻo hơn... để thấy được mỗi người tự kỷ đều có một thế giới riêng đáng trân trọng” như chia sẻ của Mộng Thu, người quản lý hoạt động xã hội của Trung tâm Nghệ thuật Tò he.

Không chỉ giới thiệu tác phẩm, “Chèo méo” còn có không gian tương tác để hiểu hơn về những xúc cảm, mong muốn của các em. Tác phẩm “Bồng bồng” của Lê Tú Anh mời gọi mọi người thử đi trên những đôi guốc mộc bọc vải, với cảm giác chênh vênh, rất khó giữ thăng bằng... Người xem cũng có thể ngồi xuống để được ôm những hình nhân, những chiếc gối - là tác phẩm sắp đặt của Mai Chi, sáng tạo từ những bức tranh Nguyễn Khánh Huyền vẽ về cái ôm của hai cô trò.

Nghệ thuật nâng đỡ tâm hồn

“Chèo méo”, “ná”, “vui ná”, “ôm ná” hay “nút hẩy”, “kha hu”... là những từ mà một số bạn trẻ tự kỷ nhắc đi nhắc lại trong những buổi học, những lần giao tiếp với giáo viên hướng dẫn. Mỗi một từ đều mang sắc thái biểu cảm riêng, với lối tư duy bản năng. Những từ ngữ này, khi chuyển sang dạng chữ viết, không hoàn toàn chính xác về mặt ngữ âm, là cố gắng bước đầu để truyền đạt ngôn ngữ của các em đến nhiều người hơn. Triển lãm là một phần quá trình biến nghệ thuật thành những tầng lớp ngôn ngữ khác nhau, tạo nên một không gian an toàn, phù hợp để người tự kỷ bộc lộ tiếng nói cá nhân, tương tác với cộng đồng.

9.jpg
Một số hoạt động tại triển lãm "Chèo méo". Ảnh: Tò he

Đến nay, Trung tâm Nghệ thuật Tò he được nhiều người biết đến thông qua các triển lãm “Thế giới song song”, “Chạm chạm”, “Nhiều hơn một ánh nhìn”, “Không thời gian”, và bây giờ là “Chèo méo”. Nếu như những triển lãm trước thường đi sâu về một cá nhân trẻ tự kỷ khi thể hiện cảm xúc và tư duy nghệ thuật, thì những triển lãm gần đây có hướng tiếp cận bao quát hơn, tập trung vào mối tương tác của các bạn với môi trường xung quanh. Tại triển lãm “Chèo méo”, phòng trưng bày 1 giới thiệu những tác phẩm cho thấy sở thích, thói quen, lối vẽ, sự quan tâm của trẻ tự kỷ; phòng trưng bày 2 giúp mọi người tìm hiểu chứng rối loạn giác quan, để mọi người hiểu tại sao trẻ tự kỷ thích đi nhón chân, thích được ôm hay ngôn ngữ thật đa dạng và các em cũng có cách thể hiện của riêng mình. Phòng trưng bày 3 là những điều mà trẻ tự kỷ thường bộc lộ để cảm thấy an toàn, dễ chịu hơn, cũng giống như việc chúng ta thường đeo tai nghe làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn vậy. Điều đó giúp người xem hiểu hơn về các em và có cách tiếp cận đúng đắn.

Phương pháp giáo dục đồng hành

"Tò he" là mô hình sân chơi tại các trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ từ 7 tuổi trở lên. Cái tên "Tò he Fun" khá quen thuộc với mọi người, không can thiệp hành vi, không phải là trung tâm trị liệu, chỉ đơn giản là sự đồng hành để trẻ tự kỷ bộc lộ cảm xúc, vượt qua trạng thái đặc biệt khi có sự kích thích từ môi trường bên ngoài. Nguyễn Mai Hương, chuyên gia tâm lý tại Trung tâm Nghệ thuật Tò he cho biết: “Các bạn trẻ khi đến với Tò he không ai giống ai. Chúng tôi sẽ quan sát, tìm hiểu sở thích, biểu hiện... để hiểu các em. Nếu quan sát bên ngoài mà chưa đủ, mình cần làm theo để hiểu vì sao các em lại làm như thế. Điều đó trở thành sợi dây kết nối với trẻ tự kỷ, chúng tôi như những người bạn tình cờ gặp nhau, cùng mối quan tâm và có cùng sở thích. Từ đó, việc chúng tôi trở thành bạn của nhau đơn giản hơn rất nhiều”.

Vì thế, ở "Tò hè Fun", nghệ thuật không có câu chuyện xấu hay đẹp mà chỉ là “cầu nối” để các em dễ dàng chia sẻ với mọi người. Việc thể hiện bằng ngôn ngữ nói đối với trẻ tự kỷ là điều khó khăn, và vẽ là cách để các em kể câu chuyện của mình. Mỗi giờ học, các em được trò chuyện, được trải nghiệm, cảm thấy an toàn hơn với “cầu nối” nghệ thuật. Có nhiều em khi đến với lớp học, nét vẽ, tay cầm bút còn rất yếu, run rẩy, vẽ không thành hình thì sau một thời gian, cùng các cô vẽ nét cơ bản, từ dễ đến khó, các em đã có thể tự vẽ hình mà mình yêu thích. Cũng có những em sợ dao, kéo và mỗi khi cầm sẽ run tay. Giáo viên đồng hành với các em bằng cách tập cắt những nét dài, thẳng, cong, tròn và tiếp tục luyện tập khi về nhà. Từ việc sợ dao, kéo đến khi có thể chủ động cắt những hình khó là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn của thầy và trò, hơn hết là sự đồng cảm để đưa trẻ tự kỷ vượt qua nỗi sợ của chính mình. “Chúng tôi là một lớp học nghệ thuật, đôi khi phụ huynh tìm đến với mong muốn các con sẽ trở thành nghệ sĩ hay có được một nghề. Tuy vậy, chúng tôi không thể cam kết điều đó bởi nó còn phụ thuộc nhiều vào khả năng của các em. Mục tiêu cuối cùng mà lớp học hướng đến là các em có thể độc lập và tự chủ, có thể tự sáng tác và biết mình đang làm gì, thực hiện như thế nào” - chuyên gia tâm lý Nguyễn Mai Hương chia sẻ.

Việc khơi mở, truyền cảm hứng, lắng nghe, tạo môi trường cho các em tự do biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình cũng chính là cách đồng hành cùng các em. Tình yêu thương là sợi dây gắn kết để mỗi người gắn bó với "Tò he" được nghe tiếng tim mình reo vui khi nhận về những nụ cười trong veo của các em mỗi tuần, mỗi mùa, mỗi năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng niu thế giới của những điều khác biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.