Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng niu tất cả chỉ quên mình

Nhóm PV Nội chính - Xây dựng Đảng| 29/08/2014 06:19

(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng cả cuộc đời cho đất nước Việt Nam, cho nhân dân Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Người không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc, mà còn là nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc; Người không chỉ là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất. Tư tưởng về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện hết sức cô đọng trong bản Di chúc thiêng liêng Người gửi lại cho đồng bào, đồng chí trước lúc đi xa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trở thành văn hóa - dân tộc. Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản văn hóa đồ sộ không chỉ ở phương diện lý luận mà còn thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và thế giới, phương Đông và phương Tây đã, đang bàn đến văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh... với những nhận định hết sức sâu sắc. Năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.

Cốt lõi trong tư tưởng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đề cao lý tưởng cứu nước, cứu dân, Người quan niệm: “Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”, “Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh”... Đó là một nhân sinh quan, một triết lý sống nhân văn cao đẹp của nhà yêu nước, người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Ảnh: Mạnh Hà


Trong bản Di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Người đã thể hiện tầm nhìn văn hóa rộng lớn, trí tuệ văn hóa mẫn tiệp. Người đã dành sự quan tâm “trước hết nói về Đảng”, và cụ thể là về văn hóa Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết chính là giá trị và là hạt nhân của văn hóa Đảng. Đối với Người, văn hóa Đảng chính là trí tuệ, là sự trong sạch của Đảng. Đảng phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Để làm được điều đó thì trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Mỗi cán bộ đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, và một điều vô cùng quan trọng là: Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Người nhấn mạnh: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ bởi văn hóa, đạo đức là yếu tố quan trọng, là biểu hiện bên trong của lối sống, do vậy, giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng là hết sức cần thiết. Và khi mỗi đảng viên thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng thì Đảng ta mới thật sự trong sạch, vững mạnh.

Dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, Người phê phán thói lai căng văn hóa, coi nhẹ văn hóa dân tộc của một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ: “Có những trí thức Việt Nam rất thông thuộc lịch sử, địa lý và các chuyện thần thoại của nước Pháp, của Hy Lạp và La Mã. Nhưng khi hỏi đến các vị anh hùng là tổ tiên, ông cha mình, hỏi đến địa lý nước mình thì mù tịt... Coi chừng có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng những người nước ngoài”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để xây dựng nền văn hóa cách mạng, vừa là một truyền thống lịch sử, vừa là một nhu cầu tất yếu khách quan. Người dân Việt Nam phải đứng trên nền dân tộc để chiếm lĩnh, tiếp thu những giá trị văn hóa bên ngoài. Người nói: “Đông phương hay Tây phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa thật có tinh thần thuần túy Việt Nam...”.

Hiểu sâu sắc vai trò to lớn của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Người viết: “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ... cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Coi con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể hưởng thụ các giá trị văn hóa, Người chỉ rõ: “Văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng - nội dung văn hóa phải có ý nghĩa giáo dục...”. Và hết sức cô đọng, trong Di chúc, Người căn dặn: Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân...

Suốt cuộc đời hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, trước lúc đi xa, ngay cả “về việc riêng”, Người cũng thể hiện mong muốn hình thành một loại hình văn hóa mới, bảo đảm cơ sở tự nhiên bền vững cho cuộc sống con người: Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.

Tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế, cũng như từ chính quá trình phát triển “nóng” của đất nước trong những năm gần đây đã, đang làm nảy sinh không ít vấn đề xã hội. Văn hóa Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới hết sức gay gắt. Làm gì để phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại? Làm gì để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế? Hàng loạt vấn đề đang được đặt ra. Trong đó, xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật... là hết sức cần thiết bên cạnh việc khuyến khích hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, có sức lan tỏa rộng lớn, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc. Để làm được điều đó thì việc đưa Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả là điều kiện tiên quyết, yếu tố quan trọng, có ý nghĩa nền tảng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân đạo và hòa bình, Tổ quốc và nhân loại, dân chủ và nhân văn, tự do và hạnh phúc, tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc chân chính, đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư... mãi mãi trường tồn cùng đất nước và là ánh sáng soi rọi cho dân tộc vượt qua thách thức, vững bước trong những chặng đường phát triển mới. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân nước Việt, cũng là sự thể hiện lòng biết ơn đối với Người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng niu tất cả chỉ quên mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.