Sau ngày nghỉ Tết, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa trong sắc xanh, trong đó năng lượng dẫn dắt đà tăng.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch, chỉ số MXV-Index tăng 0,62%, lên 2.225 điểm.
Lực mua mạnh mẽ trên thị trường năng lượng với toàn bộ 5 mặt hàng đồng loạt tăng giá. Trong đó, hai mặt hàng dầu thô đã có phiên thứ tư tăng liên tiếp, nhờ thông tin dữ liệu tồn kho dầu Mỹ tiếp tục giảm và kỳ vọng về nhu cầu của Trung Quốc.
Khép lại phiên hôm qua, giá dầu WTI tăng 1,97%, lên 73,13 USD/thùng và giá dầu Brent tăng 1,73%, lên 75,93 USD/thùng. Trong khi đó, giá khí tự nhiên diễn biến giằng co và đóng cửa với mức tăng nhẹ.
Đáng chú ý theo báo cáo hằng tuần của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 27-12 đạt 415,6 triệu thùng, giảm 1,18 triệu thùng so với tuần trước. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp tồn kho dầu thô của Mỹ giảm, phản ánh nhu cầu duy trì ở mức cao và hỗ trợ tích cực cho giá.
Theo MXV, sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, các mặt hàng kim loại phân hóa rõ nét, bảng giá chia hai nửa xanh đỏ.
Cụ thể, trong nhóm kim loại quý, giá bạc và bạch kim tăng ấn tượng lên mức 29,9 USD/ounce và 922,4 USD/ounce.
Thị trường kim loại quý đang nhận được lực mua tích cực. Bên cạnh đó, việc Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ, cùng với căng thẳng địa chính trị dai dẳng ở nhiều khu vực đã thúc đẩy nhu cầu mua các mặt hàng trên trong ngắn hạn.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX gần như đi ngang so với mức tham chiếu sau khi trải qua một phiên giao dịch tương đối giằng co.
Giá quặng sắt tăng khoảng 0,4% lên gần 101 USD/tấn khi thị trường phản ứng tích cực với dữ liệu kinh tế của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới.
Các nhà xuất khẩu và phân tích cho biết, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc, chiếm khoảng 70% quặng sắt toàn cầu, có thể sẽ đạt mức cao mới vào năm 2025 khi các thương nhân dự trữ quặng giá rẻ, bất chấp cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài tiếp tục đè nặng lên nhu cầu thép tại nước này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.