Năm 2024, thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Bạch kim là sản phẩm được giao dịch nhiều nhất trong năm 2024.
Theo số liệu vừa được Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) công bố ngày 2-1, năm 2024, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ. Khối lượng giao dịch tăng hơn 10% so với năm 2023, giá trị giao dịch đạt trung bình 5.000 tỷ đồng/ngày.
Theo MXV, tâm điểm của thị trường là mặt hàng bạch kim đang liên thông với Sở Giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ). Tiếp đà của quý III, bạch kim đã trở thành sản phẩm được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam trong năm 2024, với 15,5% khối lượng giao dịch.
Đây là sự bứt phá ngoạn mục so với vị trí thứ 6 trong năm 2023, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư đối với mặt hàng kim loại quý này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc MXV, bạch kim hiện là "kênh trú ẩn an toàn" trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu liên tục biến động mạnh. Bạch kim sẽ tiếp tục là mặt hàng chiến lược, đặc biệt là trong danh mục bảo hiểm giá và đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đứng vị trí số 2, mặt hàng đậu tương bám sát bạch kim với 14,6% khối lượng giao dịch. Lúa mì vươn lên vị trí thứ 3, chiếm 7% , tăng từ thứ hạng thứ 9 của năm trước. Đồng micro chiếm 6,1%, vươn lên vị trí thứ 4. Theo sát đồng micro, khô đậu tương chiếm 6% khối lượng giao dịch, đứng ở vị trí thứ 5.
Đặc biệt, cà phê Robusta tăng trưởng mạnh mẽ, khi giá mặt hàng này liên tục lập "đỉnh lịch sử", thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Kết thúc năm 2024, cà phê Robusta xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng với tỉ trọng 5,9%.
Các mặt hàng khác như dầu đậu tương, dầu WTI, dầu WTI micro và cà phê Arabica duy trì vị trí trong top 10, lần lượt với tỷ trọng 5,8%, 5,7%, 4,8% và 4,4%
Cũng theo MXV, Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Gia Cát Lợi tiếp tục là thành viên có thị phần môi giới hàng hóa lớn nhất Việt Nam năm 2024, chiếm 30,3% khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Theo sau là Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh (HCT), với 18,2% thị phần.
Các thứ tự tiếp theo gồm: Công ty TNHH Đầu tư quốc tế hữu nghị (Finvest) với 14,7% thị phần; Công ty cổ phần Saigon futures nắm giữ 10,1% thị phần và Công ty cổ phần Hitech finance ở vị trí thứ 5 với 5,2% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Top 5 doanh nghiệp này chiếm 78% thị phần toàn thị trường.
MXV dự báo, năm 2025, thị trường giao dịch hàng hóa sẽ tiếp tục biến động khó lường, với nhiều yếu tố tác động như sự bất ổn địa chính trị, xung đột Trung Đông, các chính sách điều hành kinh tế của tổng thống đắc cử Donald Trump, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc…
Những biến động này sẽ tiếp tục tạo diễn biến sôi động trên thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Vì Việt Nam vừa là nước liên thông giao dịch với thế giới, vừa đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung cầu hàng hóa toàn cầu.
“Thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động ngay từ những tháng đầu năm. Bởi giao dịch hàng hóa là giao dịch 2 chiều, kể cả giá tăng hay giảm thì các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều có thể mở vị thế để bảo hiểm giá và thu về lợi nhuận. Do vậy, điều quan trọng không nằm ở giá lên hay xuống, mà nằm ở việc thị trường được tổ chức minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.