(HNM) - Làm gì để bảo vệ người tiêu dùng, mang lại môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm là vấn đề
Thực phẩm chế biến rất đa dạng, liên quan đến đồ ăn, uống như thịt, thủy sản, hoa quả đóng hộp, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo… do DN trong nước sản xuất hoặc nhập khẩu để phục vụ nhu cầu NTD. Nhiều năm qua, hầu hết phân ngành chế biến thực phẩm đều có tốc độ tăng trưởng khá cao. Chẳng hạn, ngành sản xuất sữa đạt tốc độ tăng bình quân hơn 20%/năm, bia, rượu tăng hơn 7%/năm… Tính chung, giá trị sản xuất của ngành thực phẩm chế biến chiếm hơn 20% tổng giá trị toàn ngành công nghiệp, chiếm khoảng 15% GDP. Các chuyên gia đánh giá, ngành còn nhiều "đất" để phát triển với thị trường gần 90 triệu dân và xuất khẩu.
Sản xuất bánh trên dây chuyền hiện đại tại Công ty Bánh kẹo Kinh Đô. Ảnh: Chí Lâm |
Do nhu cầu và sức mua của thị trường tăng trưởng thấp hơn tốc độ gia tăng công suất các nhà máy nên nguồn cung thực phẩm chế biến khá dồi dào. Đó là nguyên nhân gây ra tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các DN trong ngành, dễ nảy sinh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho đơn vị sản xuất chân chính. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) xác nhận, các hành vi vi phạm chủ yếu gồm gây rối, ngăn cản hoạt động của DN khác, quảng cáo với nội dung hạ thấp thương hiệu DN khác, cố tình ghi chỉ dẫn gây hiểu lầm cho khách hàng… Trường hợp vi phạm điển hình là một DN sản xuất thạch rau câu đã dựa trên mẫu thiết kế bao bì, tên gọi của một sản phẩm nổi tiếng "Konnyaky Jelly powder" để xây dựng kiểu dáng, sau đó đặt tên cho sản phẩm của mình là "Konnyaku ABCxy powder". Với tình huống này, NTD thường bị nhầm lẫn khi mua hàng và phải chịu thiệt hại.
Lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa cũng tồn tại không ít vấn đề. Những năm gần đây, hầu như năm nào ngành chức năng cũng phải vào cuộc để điều tra, xác định nguyên nhân tăng giá một cách vô lý, gây bức xúc cho NTD. Nhiều chuyên gia nhận xét rằng, một số nhãn hiệu sữa tự quảng cáo là cao cấp, nhưng thực ra chất lượng na ná các loại khác và chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu về đóng hộp. Hiệp hội Sữa Việt Nam đang khuyến khích DN thành viên quan tâm quy trình sản xuất, áp dụng một số biện pháp quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế như ISO 9001 & 22000, HACCP… Đặc biệt, bia, rượu luôn là mặt hàng béo bở cho giới sản xuất, tiêu thụ hàng giả. Trên thực tế, bia, rượu giả có mức độ vi phạm cao nhất so với những loại thực phẩm chế biến khác. Hằng năm, các DN sản xuất bia, rượu đều mở hội nghị khách hàng, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường để giới thiệu sản phẩm chính hãng, so sánh hàng giả với hàng thật để NTD nhận biết, thông báo địa chỉ và số điện thoại liên lạc khi có vấn đề cần trao đổi... Một điểm yếu nữa của ngành này là thiếu đồng bộ trong đầu tư dây chuyền sản xuất hoặc thiết bị lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Tồn tại này chủ yếu do sự hạn hẹp về tài chính, dẫn đến DN mất sức cạnh tranh trên thương trường.
Các cơ quan quản lý đưa ra khuyến nghị, từng đơn vị tham gia thị trường tuân thủ quy định của pháp luật, tôn trọng DN bạn và chấp nhận cạnh tranh lành mạnh. Tôn trọng đối tác, đối thủ và khách hàng là biện pháp tốt nhất để xây dựng và quảng bá thương hiệu cho mình. DN nên huy động nguồn lực đủ mức để đầu tư dây chuyền hiện đại, đồng bộ, như vậy sẽ có điều kiện sản xuất sản phẩm bảo đảm an toàn, gia tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.