Nhiều biến động khách quan cùng thực trạng công tác quản lý quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế đã dẫn đến các sai phạm phải xử lý theo quy định pháp luật.
Hiện nay, công tác này đang được điều chỉnh, hướng đến sự chặt chẽ, hiệu quả.
Nhiều vướng mắc trong quản lý
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, quỹ nhà chuyên dùng được hình thành qua nhiều giai đoạn, có nguồn gốc khác nhau, được sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, trụ sở làm việc... Quỹ nhà này đang được thành phố giao các đơn vị, tổ chức kinh doanh nhà quản lý, khai thác.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, quỹ nhà này nằm tập trung tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và đan xen sở hữu nhà nước với sở hữu tư nhân. UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành và doanh nghiệp được giao quản lý rà soát, thống kê 840 địa điểm nhà chuyên dùng, với diện tích nhà là 178.148m2, diện tích đất là 155.156m2.
Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý 803 địa điểm; UBND quận Hà Đông quản lý 16 địa điểm, UBND thị xã Sơn Tây quản lý 1 địa điểm và Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh và Dịch vụ nhà Hà Nội quản lý 20 địa điểm.
Thực tế cho thấy, việc kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng không được duy trì thường xuyên dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm, như cho thuê lại, liên doanh, liên kết, chuyển mục đích thành nơi ở, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Ngoài ra có một số tranh chấp, vướng mắc về diện tích.
Trong khi đó, đơn vị quản lý, vận hành chưa có biện pháp chấn chỉnh, chưa kịp thời báo cáo để xử lý theo quy định. Việc theo dõi, ghi số các địa điểm nhà, đất đã ký hợp đồng thuê nhà, các địa điểm chưa ký hợp đồng thuê nhà chuyên dùng không đầy đủ, không cập nhật kịp thời biến động. Việc thiết lập, bổ sung hoàn thiện hồ sơ đối với từng địa điểm nhà thuê chậm nên nhiều điểm chưa có hồ sơ.
Ngoài ra, còn tình trạng người sử dụng tự cải tạo, sửa chữa nhà cho phù hợp với nhu cầu. Nhiều điểm nhà trong tình trạng xuống cấp chưa được lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa. Việc ký hợp đồng cho thuê nhà, thu tiền cho thuê nhà, đất của quỹ nhà chuyên dùng đạt hiệu quả thấp. Nợ đọng nghĩa vụ tài chính của các đơn vị còn nhiều, kéo dài và chưa được xử lý dứt điểm…
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở Xây dựng đã phân loại, đề xuất phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể, báo cáo và được UBND thành phố chấp thuận. Với 31 điểm nhà chuyên dùng có vi phạm, Sở Xây dựng đã tham mưu, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi. Thực tế, 5 điểm nhà chuyên dùng đã được thu hồi.
Xử lý, khắc phục dứt điểm các vi phạm, tồn tại
Từ thực tiễn quản lý, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) Trần Ngọc Minh cho biết, quỹ nhà giao cho các tổ chức quản lý, kinh doanh theo các phương thức khác nhau; địa vị pháp lý và nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà cũng có sự khác nhau. Trong khi đó, việc áp dụng các quy định chung về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp vào trường hợp cụ thể còn nhiều nội dung chưa phù hợp.
Việc thiếu các quy định chung cần thiết để quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất này đã tác động lớn tới quá trình hình thành, sử dụng, khai thác, vận hành và xử lý tài sản, ảnh hưởng tới chất lượng cung cấp dịch vụ, nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở những đánh giá trên, Sở Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước. Theo ông Trần Ngọc Minh, yếu tố quan trọng đầu tiên là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý, khai thác, sử dụng các quỹ nhà. Cùng với đó, thành phố cần kiến nghị Trung ương những nội dung vượt thẩm quyền theo hướng rõ ràng, thống nhất, đồng bộ, bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cần thống kê, hệ thống hóa đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu về các quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, công khai tình hình quản lý, sử dụng và khai thác các quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Triển khai Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, UBND thành phố đặt mục tiêu 100% tài sản chuyên dùng, trong đó có quỹ nhà của thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiêu chuẩn, định mức. Đặc biệt, thành phố sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định; cùng với đó, xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại trong quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước được giao cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, khai thác.
Thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến tài sản công, đặc biệt là việc sử dụng nhà, đất công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn. Sở Xây dựng cùng liên ngành sẽ tham mưu, báo cáo UBND thành phố xem xét, khắc phục tồn tại, hạn chế, đổi mới công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà chuyên dùng.
Đáng chú ý, thành phố sẽ từng bước áp dụng các hình thức “đấu giá cho thuê” thay cho hình thức “cho thuê chỉ định”, nhằm bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch theo diễn biến thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.