(HNM) - Nghe rất nhiều chuyện về
Gió táp vào mặt rát bỏng và nắng thì như muốn nung chín những con đường. Có phải vì sự khắc nghiệt ấy nên đất và người đều bình dị, như những thân xương rồng mọc lên trên cồn cát, chịu gió, chịu nắng, chịu cái khô cằn để tồn tại, góp cho đời những nụ hoa…?
Làng gốm Bàu Trúc - làng gốm Chăm cổ xưa nhất Đông Nam Á. |
Nắng và gió…
Nhiều người nói Phan Rang gió như "phang", nắng như "rang" và chỉ cách Phan Rang chừng 100km là Nha Trang náo nhiệt, 120km là Đà Lạt mộng mơ, sao lại chọn cái địa danh còn khá mờ nhạt trên bản đồ du lịch Việt? Thôi thì cứ đi, để cho biết thế nào là "phang", là "rang", chứ Nha Trang và Đà Lạt chẳng còn gì lạ lẫm nữa...
Mảnh đất Phan Rang đón tôi bằng một cơn mưa nhẹ, khí hậu khá dịu mát. Nắng và gió đâu? Anh Chương - chủ quán nhậu hải sản ngay trước cửa Công viên biển Bình Sơn (thành phố Phan Rang) cười bảo thấy chú đến, Ninh Thuận mới có mưa nhỏ, chứ đất này hiếm mưa lắm. Cũng sắp chiều rồi, cứ nghỉ ngơi chút đi, sáng sớm mai là thấy liền. Nắng và gió là đặc sản ở đây!
Giấc ngủ cuốn tôi đi rất nhanh, nhưng cũng rất nhanh, ánh nắng tràn ngập qua ô cửa sổ phòng khách sạn. Liếc đồng hồ, mới 6h sáng. Vệ sinh cá nhân rồi ra quán anh Chương ăn bát cháo cá, thuê luôn xe máy rồi nhờ tư vấn hành trình. Anh đưa tôi tấm bản đồ du lịch và khuyên nên đi vịnh Vĩnh Hy trước bởi đây là một trong những vịnh đẹp nhất Việt Nam. Người nước ngoài đến Phan Rang rất thích vịnh này. Trong những ngày ở đây, nếu muốn thăm thú, trải nghiệm thì đi làng gốm Bàu Trúc, vườn nho Ba Mọi, đồi cát Nam Cương, hải đăng Mũi Dinh, tháp Pôklông Garai, thác nước Sakai cao cả 100m, nhiều điểm lắm…
Quãng đường 40km từ thành phố Phan Rang đi vịnh Vĩnh Hy khá đẹp và hầu như không có bụi. Mới 7h - 8h, nắng đã gắt. Qua khỏi cầu Ninh Chữ một đoạn là những cánh đồng muối vuông vức. Hàng trăm diêm dân quần áo, khăn che mặt kín mít để chống chọi với cái nắng chói chang đang lặng lẽ cào, chở muối về tập kết thành những núi lớn lấp lánh dưới ánh nắng. Dọc đường là những vườn nho trĩu quả, những vựa cá cơm phơi khô để ướp chượp làm mắm... Nhưng nhiều nhất có lẽ là cát… Dường như chỉ có một vài loại cây như nho, dương và xương rồng là trụ lại được và sinh sôi ở mảnh đất này. Thi thoảng lại thấy những đàn cừu, đàn dê vài chục con tung tăng trên đường đi tìm nước và thức ăn… Các nhà khoa học có nói giống cừu Phan Rang đã hình thành hơn 100 năm nay, trải qua những điều kiện khí hậu nắng nóng gần như quanh năm và hiện là giống cừu duy nhất ở Việt Nam.
Cánh đồng muối (Phan Rang). |
Chỗ nào cũng nắng. Nắng chói chang, gay gắt, rát ràn rạt vào da thịt. Nắng như muốn nung chín những con đường thảm nhựa. Và gió cũng thật dữ dội. Càng gần đến Vĩnh Hy gió càng mạnh. Cung đường uốn lượn một bên là biển, một bên là những vách núi đá vôi. Cứ mỗi lần đi qua các hốc núi, gió tuôn ra ào ào, táp thẳng vào mặt, vào tai, gió làm cho xe như nghiêng ngả. Thỉnh thoảng, gió từ dưới biển lại xoẹt qua. Những lúc gió mạnh nhất, tôi luôn phải giữ chặt tay lái, giảm ga xuống mức 10-15km/h để bám chắc vào mặt đường. Nếu không phải là những người quen chạy xe máy đường trường, có lẽ dễ bị gió cuốn xuống những vườn nho, cồn cát…
Những ngày sau đó, tôi nhiều lần "hứng" cái nắng và gió khủng khiếp hơn hôm đi vịnh Vĩnh Hy. Như ở đồi cát Nam Cương, 4h chiều mà cát còn bỏng rát bàn chân nhưng gió lại tạo thành những sóng cát và làm cho địa hình của những cồn cát thay đổi liên tục. Càng tiến sâu vào trong đồi cát, bầu trời càng mở rộng để rồi kết thúc với màu xanh tít tắp nơi chân trời.
Xương rồng nở hoa
Là vùng nắng nóng, nhiều nơi bị sa mạc hóa, thời tiết khắc nghiệt, nhưng tạo hóa cũng ưu ái cho vùng đất này những cảnh sắc tuyệt đẹp, địa điểm lý tưởng cho những người thích du lịch trải nghiệm và giới "săn" ảnh. Không chỉ có biển Cà Ná, biển Ninh Chữ, đồi cát Nam Cương, đồi cát Phước Dinh, thác nước Sakai, thác Tiên…, trong đó biển Ninh Chữ được gọi là nơi ngắm bình minh trên biển đẹp nhất nước, Phan Rang - Ninh Thuận còn có những vườn nho trĩu quả - nguồn cung cấp chính cho các nhà máy sản xuất rượu vang Đà Lạt, vang Thăng Long. Rồi thì cụm tháp Chàm Pôklong Garai và làng gốm Bàu Trúc cổ xưa nhất Đông Nam Á mang những nét đặc trưng của văn hóa Chăm… Ẩm thực miền đất này cũng vô cùng hấp dẫn với nhiều món ăn địa phương như món dông nướng, bánh căn, cà ri bò… Ai đó sẽ nói những món đó chỗ nào trên cái dải đất miền Trung chẳng có. Không sai nhưng cứ thử sẽ thấy sự khác biệt trong từng món ăn. Và bảo đảm tiêu chí ngon - bổ - rẻ.
Có lẽ ấn tượng lớn nhất với tôi trong những ngày ở Phan Rang chính là nét thô ráp, mộc mạc mà dễ gần của người dân địa phương. Tôi nhớ có ai đó đã nói, lúc đầu mới nghe thì thấy văn vẻ nhưng càng tiếp xúc càng thấy đúng. Đại ý rằng người Phan Rang cũng như những thân xương rồng mọc lên trên cồn cát vậy - chịu gió, chịu nắng, chịu cái khô cằn của cát sỏi nhưng vẫn dâng đời những bông hoa thật đẹp. Như anh Chương chủ quán đối diện khách sạn tôi ở đưa số điện thoại và dặn có gì trục trặc lúc đi đường cứ gọi để anh hỗ trợ cho an toàn. Như cô chủ quán cà phê duy nhất ở đồi cát Nam Cương, khi hỏi mua chai nước suối cô bảo chỉ có cà phê và nước ngọt đóng lon nhưng lại nhiệt tình đi lấy nước lọc đun sẵn rồi bỏ đá lạnh giúp tôi giải khát mà cương quyết không nhận tiền. Như nhiều người mà tôi đã hỏi đường trong suốt chuyến đi đều nhiệt tình chỉ dẫn. Trong đó có một ông già đang mướt mồ hôi vác gạch bỏ cả việc lấy giấy bút vẽ đường tỉ mỉ vì sợ khách lạc đường vất vả. Tôi đã bị mắng vì trong một lần hỏi thăm đường đi làng gốm Bàu Trúc mà vẫn đeo khẩu trang. Biết mình sơ suất, tôi tháo khẩu trang, nói xin lỗi và lại được chỉ dẫn nhiệt tình. Thật dễ chịu với cái sự thô ráp ấy biết bao. Chỉ có một điều tôi không thích ở vùng đất này, đó là thành phố đi ngủ sớm quá. 21h đường phố vắng tanh, nhà nhà tắt đèn. Những quán cà phê lớn nhất Phan Rang sau 21h30 cũng không nhận khách.
Bốn ngày chơi với gió như “phang” và nắng như “rang”, Phan Rang vẫn còn nhiều điểm tôi chưa được đặt chân tới. Đành để dành cho lần sau quay lại bởi tôi thấy mình còn nợ sự tử tế, chân thành của những con người Phan Rang thô ráp, mộc mạc như những thân xương rồng chịu cái nắng, cái gió, cát sỏi khô cằn để nở hoa làm đẹp cho đời…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.