Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năng động tạo nguồn lực cho hoạt động xuất bản

Mai Hoa| 28/05/2017 07:48

(HNM) - Tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, bao gồm việc khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, tài chính và nhân lực là những vấn đề rất thiết thực được nêu ra tại Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ IV (2017-2022) - vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Phố sách Hà Nội góp phần khơi dậy văn hóa đọc, nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản. Ảnh: Bá Hoạt


- Ông có thể chia sẻ về những mục tiêu quan trọng được đề ra cho nhiệm kỳ 2017-2022 của Hội Xuất bản Việt Nam?


- Gắn bó gần 20 năm với các công việc có liên quan đến ngành Xuất bản, tôi muốn nói đến vài điểm nhấn trong mục tiêu chung của Hội đề ra cho nhiệm kỳ mới.

Thứ nhất, Hội Xuất bản Việt Nam phải góp sức xây dựng văn hóa đọc, bắt đầu từ việc nâng cao cơ hội tiếp cận sách của người dân bởi con số 4 đầu sách/năm/ người như hiện nay là quá thấp. Thứ hai, rất cần nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ làm việc ở lĩnh vực xuất bản - phát hành. Hội phải quan tâm, phối hợp cùng Cục Xuất bản, In và Phát hành, các khoa chuyên ngành Xuất bản, Phát hành của các trường đại học để thực hiện tốt chương trình đào tạo, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho người làm nghề. Thứ ba là nhiệm vụ phát triển hội viên theo hướng hình thành cấp hội ở tỉnh, thành phố. Các hội cơ sở mạnh lên, những hoạt động gắn với quyền lợi của hội viên tốt hơn, đó sẽ là cơ sở tập hợp, đoàn kết người làm nghề phát huy tiềm năng trí tuệ phục vụ cho sự nghiệp xuất bản.

- Bên cạnh khó khăn về nhân lực, Hội đang gặp nhiều thách thức về cơ sở vật chất và tài chính. Ông suy nghĩ gì về việc này?

- Tôi nghĩ, quan trọng nhất là sự giúp đỡ của Nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Thông báo số 19/TB-TƯ ngày 29-12-2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư khóa IX nhằm nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Nhưng, bên cạnh đó, Hội cần phải năng động hơn, tổ chức được nhiều hoạt động hướng về cơ sở, đáp ứng nhu cầu của các hội cơ sở, tạo ra nguồn thu từ chính sự đóng góp của các hội viên để hoạt động tốt hơn. Đơn cử như mô hình Đường sách ở TP Hồ Chí Minh với số vốn do Hội Xuất bản Việt Nam cấp chỉ là 50 triệu đồng, đến nay, khoản hỗ trợ đó vẫn vẹn nguyên trong ngân hàng. Với việc thành lập Công ty TNHH một thành viên Đường sách - thành viên của Hội Xuất bản Việt Nam, chúng tôi có thuận lợi rất lớn trong việc tạo nguồn thu, không còn phải quá bức xúc về vấn đề kinh phí.

- Ông có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ hiệu quả hoạt động của Đường sách TP Hồ Chí Minh?

- Bài học kinh nghiệm thể hiện ở bốn yếu tố sau đây. Thứ nhất là sự ủng hộ về chủ trương và sự hỗ trợ của cơ quan Đảng, chính quyền. Điều này cũng tương tự như việc Hà Nội đã có được sự ủng hộ của Thành ủy, sự hỗ trợ tối đa từ UBND thành phố, nhờ đó đã có được một Phố sách rất đẹp. Thứ hai, những đơn vị tham gia Đường sách phải thực sự là những nhà xuất bản, công ty phát hành sách có uy tín, có bề dày hoạt động, bởi có như thế thì mới tạo ra sự cuốn hút cho Đường sách.

Thứ ba là xây dựng và thực hiện cơ chế xã hội hóa nhằm thu hút sự đóng góp của các đơn vị, bảo đảm cho việc duy trì Đường sách lâu dài, bền vững. Thứ tư, việc thành lập Công ty TNHH một thành viên Đường sách là giải pháp quản lý hiệu quả, bởi đây là công ty có đầy đủ năng lực quản lý hoạt động Đường sách trên cơ sở nguồn kinh phí đóng góp trên tinh thần phi lợi nhuận, hiệu quả hơn so với việc để cơ quan quản lý nhà nước điều hành. Đồng thời, về mặt thủ tục tài chính, công ty có thể xuất hóa đơn cho nhà xuất bản, giúp các công ty sách thực hiện thanh quyết toán dễ dàng hơn.

- Cùng với sự năng động trong việc tạo nguồn lực cho hoạt động xuất bản, việc xây dựng văn hóa đọc đòi hỏi phải nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, tạo ra nhiều sách hay, sách đẹp nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc. Giải pháp cho vấn đề này có thể là gì, thưa ông?

- Để tìm ra những bản thảo giá trị, trau chuốt và tạo nên những cuốn sách hay, sách đẹp thì phải nhờ đến đội ngũ biên tập viên giỏi trong quá trình xử lý bản thảo. Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm của gia đình và xã hội đối với việc đọc. Làm sao đó để hình thành thói quen đọc sách của trẻ, để ngay từ bé các em đã xem sách như người bạn đồng hành trong cuộc sống. Thêm nữa là vai trò của giáo dục. Nhà trường phải coi sách là công cụ giúp cho việc dạy và học tốt hơn. Chúng ta cần đổi mới cách dạy, không nên dạy theo kiểu một chiều “thầy nói, trò nghe”, như thế dễ làm thui chột sự sáng tạo.

Việc tạo dựng thói quen đọc sẽ giúp ngành Xuất bản phát triển mạnh mẽ hơn. Những quốc gia có ngành Xuất bản đạt lợi nhuận cao chính là vì nhu cầu đọc ở đó cao.

- Nói về sức đọc, nhu cầu đọc thì không thể quên sách điện tử (ebook). Sự ra đời của sách điện tử có ý nghĩa gì, thưa ông?

- Ebook ra đời đã tạo nên hiệu ứng đọc mạnh mẽ, nhưng sau vài năm thì việc đọc sách trên các thiết bị điện tử đã chững lại, không lấn át việc đọc sách giấy. Minh chứng là số bản in sách giấy trên thế giới ngày càng tăng Các nghiên cứu của giới xuất bản cho thấy, không chỉ ở Việt Nam mà ngay tại các nước phát triển, cách đọc truyền thống vẫn đủ sức lôi cuốn, khiến người ta không thể bỏ sách giấy.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năng động tạo nguồn lực cho hoạt động xuất bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.