Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng độ tin cậy cung cấp điện nhờ chuyển đổi số

Thanh Hải| 30/10/2021 07:37

(HNM) - Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào công tác quản trị doanh nghiệp, ngành Điện đã tiết kiệm thời gian, cắt giảm những chi phí không cần thiết, nâng cao năng suất hiệu quả lao động. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số đã giúp khách hàng dễ tiếp cận, tham gia và giám sát các dịch vụ cung cấp điện, nâng độ tin cậy và hài lòng của người dân.

Công nhân Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội lắp đặt công tơ điện tử cho khách hàng.

Ông Phạm Quang Bích, ở ngõ 354 đường Lê Duẩn (quận Đống Đa) cho biết, với việc lắp đặt công tơ điện tử đo xa, gia đình có thể kiểm soát được lượng điện tiêu thụ hằng ngày ngay trên thiết bị di động thông minh, theo dõi và điều chỉnh việc sử dụng điện hợp lý.

Theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), nếu như trước đây để đo đếm điện năng, công nhân ngành Điện phải trực tiếp ghi chỉ số điện, rồi chụp ảnh qua camera thì hiện nay với việc sử dụng công tơ điện tử đo xa, việc ghi chỉ số được thực hiện hoàn toàn tự động. Việc đưa hệ thống công tơ điện tử với dữ liệu số được tự động thu thập về máy tính, phân tích, khai thác dữ liệu chỉ số điện qua các ứng dụng (app), phần mềm đã xóa bỏ hẳn việc ghi chỉ số thủ công trước kia.

Cùng với đó, việc phát triển app EVNHANOI đã thực sự tạo nên một bước đột phá lớn. Nhờ khai thác thành công dữ liệu từ công tơ đo xa, app EVNHANOI đã cung cấp minh bạch, chính xác chỉ số điện tiêu thụ từng ngày của từng khách hàng. Do đó, khách hàng có thể nắm rõ mức tiêu thụ điện, giảm những thắc mắc không đáng có.

Thực tế, việc chuyển đổi sử dụng công tơ điện tử chỉ là một phần trong nỗ lực chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, ngành Điện đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành cho biết, EVN xác định 5 lĩnh vực chuyển đổi số gồm: Sản xuất; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ; viễn thông và công nghệ thông tin. Tập đoàn sẽ xây dựng hệ sinh thái số EVN; trong đó, kết nối thống nhất các sáng kiến chuyển đổi số từ các đơn vị thành viên. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực năng lượng cũng có thể tham gia hệ sinh thái chuyển đổi số này trên tinh thần hợp tác của kinh tế chia sẻ. EVN mong muốn xây dựng và dẫn dắt hệ sinh thái số vì mục tiêu hiện đại hóa, phát triển bền vững ngành Năng lượng Việt Nam.

Để triển khai hiệu quả, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN đã được thành lập. Các tổng công ty trong EVN cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Các đơn vị chủ động và sáng tạo trong huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số tại đơn vị.

Nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, EVN đang tạo bước đột phá trong quản trị doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, điều hành, tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực. Cụ thể, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì công tác chỉ đạo, điều hành của tập đoàn, của các đơn vị thành viên về tất cả lĩnh vực vẫn bảo đảm thông suốt thông qua các nền tảng số. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2021, EVN đã tổ chức 444 cuộc họp trực tuyến, 468 hội nghị truyền hình. Ở các đơn vị thành viên, con số này còn cao hơn gấp nhiều lần. Cùng với đó, các ứng dụng họp trực tuyến Zoom Meeting, MS Team, Google Meeting kết nối đa điểm với các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, mã hóa bảo mật cũng được sử dụng thường xuyên, phát huy hiệu quả trong việc triển khai các nhiệm vụ.

Giám đốc Ban quản lý dự án Điện lực miền Nam (Tổng công ty Điện lực miền Nam) Đào Hòa Bình chia sẻ, hơn 3 tháng dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, điều hành, thi công các công trình lưới điện. Để công việc không bị gián đoạn, Ban đã ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành như: Xử lý công văn, công việc từ xa trên phần mềm; quản lý tiến độ dự án trên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng; tổ chức nhiều cuộc họp xử lý các vấn đề phát sinh bằng hình thức trực tuyến... Nhờ đó, giảm được số lần các đơn vị phải trực tiếp tập trung họp tại trụ sở tập đoàn, tổng công ty, vừa giảm chi phí đi lại, lưu trú..., vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng độ tin cậy cung cấp điện nhờ chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.