(HNM) - Phát triển du lịch cộng đồng đang là xu hướng của ngành Du lịch Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Không phải ngẫu nhiên, Giải thưởng Du lịch ASEAN có hạng mục dành cho du lịch cộng đồng...
TP Hà Nội cũng quan tâm đặc biệt tới mảng du lịch cộng đồng. Trong kế hoạch bồi dưỡng về kiến thức du lịch cho cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch năm 2019, Sở Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu mở 10 lớp đào tạo cho khoảng 800 người dân, nghệ nhân. Ngay giữa tháng 1-2019, lớp đầu tiên đã được mở tại xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Trước đó, năm 2018 đã có nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng được triển khai trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc kiến thức du lịch cộng đồng sẽ được người dân lưu giữ trong bao lâu, áp dụng vào thực tế như thế nào sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng? Cách đây hơn một tháng, tại Hội thảo Chiến lược ASEAN về tăng cường sự tham gia của cộng đồng và khối tư nhân trong phát triển du lịch, do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức tại Hà Nội, một số đại biểu đã đặt ra vấn đề này và cho rằng, nếu người dân không được bồi dưỡng liên tục trong một thời gian nhất định thì dễ dẫn đến tình trạng kiến thức du lịch bị “rơi vãi”.
Vì vậy, cần có thêm hình thức vừa đào tạo vừa lưu giữ được các mảng kiến thức du lịch cho người dân. Cụ thể, ngoài việc phát tài liệu, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh…, cơ quan chức năng có thể sử dụng các clip về giảng dạy kiến thức du lịch cộng đồng trên mạng internet, trong đó có kênh Youtube để giúp người dân có thêm thông tin, đồng thời hiểu về vai trò của mình trong quá trình phát triển du lịch ở địa phương.
Cách làm trên không mới nhưng chưa phổ biến trong ngành Du lịch Việt Nam. Vậy nên, ngành chức năng và các địa phương rất cần cân nhắc áp dụng cách làm này để Du lịch Việt Nam có đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu cả về số lượng cũng như chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.