Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao ý thức về an toàn giao thông

Thùy Ngân| 05/01/2017 07:00

(HNM) - Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có một số điều khoản bắt đầu có hiệu lực thực thi kể từ ngày đầu tiên của năm 2017. Đây là những quy định cần thiết nhằm không ngừng nâng cao ý thức về an toàn giao thông của người dân.


Điểm b, Khoản 1, Điều 30, Nghị định 46 quy định, từ ngày 1-1-2017 chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên chủ sở hữu xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký sang tên của mình) bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân; từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức. Mặc dù quy định này được đề cập ngay từ khi Nghị định 46 có hiệu lực thi hành cách đây gần nửa năm, cùng với thông tin tuyên truyền của các cơ quan báo, đài nhưng nhiều chủ xe đã chưa chú ý sang tên đổi chủ sớm mà cận kề hạn chót mới tiến hành thủ tục, gây quá tải. Thấy rõ, tâm lý “nước đến chân mới nhảy” vẫn còn phổ biến gây nên tình trạng chờ đợi căng thẳng không đáng có, chưa kể còn tạo áp lực cho cơ quan chức năng. Trước đó, để tạo điều kiện cho người dân sang tên đổi chủ phương tiện, nhất là những trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người, Bộ Công an đã có những quy định “mở” tại hai Thông tư 12/2013/TT-BCA và Thông tư 15/2014/TT-BCA, người sở hữu xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người chỉ cần viết giấy cam kết và chờ đủ thời gian xác minh là có thể được cấp đăng ký xe mang tên mình. Thời gian thực hiện cũng được gia hạn đến hai năm, từ 2014 đến 31-12-2016. Dù cảnh sát giao thông không được dừng phương tiện để kiểm tra giấy tờ chính chủ, và xử lý đối với việc không làm thủ tục đăng ký sang tên xe chỉ được thực hiện qua công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên hoặc thông qua công tác đăng ký xe, nhưng Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội khuyến cáo người dân nên đăng ký sang tên phương tiện để xác lập quyền sở hữu với tài sản có giá trị và giúp cơ quan chức năng điều tra xác minh nhanh thông tin liên quan đến các vụ tai nạn giao thông hay vụ án hình sự.

Tiếp theo việc xử phạt phương tiện chở hàng quá trọng tải cho phép tham gia giao thông, từ ngày 1-1-2017 người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả ô tô chở khách) cần chú ý đến tải trọng trục xe khi xếp hàng hóa và chở người trên xe không được vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20%. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt từ 3 triệu đồng đến 16 triệu đồng tùy từng mức vượt. Để tránh bị xử phạt lỗi này, người điều khiển phương tiện cần quan sát biển báo trọng tải cho phép của cầu, đường định đi qua và nhất là cần làm đủ thủ tục đăng ký cấp Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

Chưa có thống kê về số vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện nhưng có đến 30% số vụ tai nạn giao thông do thiếu quan sát, chú ý mà việc sử dụng điện thoại di động khi lái xe là một trong những nguyên nhân gây mất tập trung, chú ý. Để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, từ năm 2017 sẽ tiến hành xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng (Điểm l, Khoản 3, Điều 38, Nghị định 46). Đây được cho là mức phạt tương đối nặng, người điều khiển phương tiện không muốn mất tiền thì phải từ bỏ thói quen hiện đang diễn ra thường xuyên và phổ biến này.

Nếu Nghị định 171/2013/NĐ-CP chỉ quy định người điều khiển, người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn khi xe đang chạy thì Điểm k, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 46 đã mở rộng đối tượng phải thắt dây an toàn hơn, tất cả người ngồi tại vị trí có trang bị dây an toàn đều phải thắt dây an toàn nếu không sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Tuy một năm nữa, ngày 1-1-2018, mới tiến hành xử phạt lỗi vi phạm này, nhưng nhiều lái xe cho biết, thắt dây an toàn mang lại nhiều lợi ích, nên hãy hình thành thói quen tốt khi ngồi lên xe ô tô thì thời điểm nào áp dụng xử phạt cũng không đáng lo ngại.

Cùng với các lỗi vi phạm đã áp dụng từ ngày Nghị định 46 có hiệu lực thi hành theo mức độ tăng nặng hơn các quy định trước đó thì từ ngày 1-1-2017 có thêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông cũng như thêm đối tượng bị xử phạt hơn. Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội, đây là các lỗi thuộc về ý thức người tham gia giao thông nên rất cần chế tài xử lý mạnh có tính chất răn đe nhằm nâng cao ý thức bảo đảm an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao ý thức về an toàn giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.