Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao ý thức phòng cháy, kỹ năng thoát hiểm

Bài và ảnh: TRIỆU DƯƠNG| 18/06/2023 07:16

(HNNN) - Trong thời gian qua, số vụ hỏa hoạn tại các hộ gia đình có sự gia tăng cả về số lượng cũng như thiệt hại. Thực tế cho thấy, cần phân tích các vụ cháy nhà dân để có giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế tối đa số vụ cháy cũng như thiệt hại có thể xảy ra.

Mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Nguy hiểm rình rập

5h30 ngày 17-5, một vụ cháy lớn xảy ra tại căn nhà 4 tầng ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội). Lúc này, trong nhà có 2 vợ chồng, 2 bé trai và một cụ già. Rất may mắn, các thành viên trong gia đình đã kịp thoát ra qua lối ban công. Chứng kiến vụ việc, nhiều người cho rằng thật may mắn khi căn nhà có ban công thoáng. Nếu thay vào đó là “chuồng cọp”, hậu quả xấu nhất có thể xảy ra.

Anh Đ.N.Q (sinh năm 1984, chủ nhà) chia sẻ, ngọn lửa bốc thẳng lên cả tầng 4, do căn nhà thiết kế kiểu dạng ống, khi đó việc cứu người chỉ tính bằng giây. Ngay khi phát hiện vụ cháy, chị B.T.T (sinh năm 1983, vợ anh Q) bản năng bật dậy rồi cùng các con định đi xuống tầng dưới để thoát ra ngoài, nhưng khi đó khói đen bốc lên, chị đã chạy vào nhà vệ sinh lấy khăn ướt che mặt và đầu cho hai con cùng bản thân rồi đi ra ban công tầng 3 trèo sang nhà hàng xóm...

Tuy nhiên, không phải ai cũng có kiến thức như anh Q, chị T để có thể ứng phó kịp thời với tình huống xấu. Vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn về người xảy ra cách đó ít hôm ở quận Hà Đông là một ví dụ. Điều dễ nhận thấy là với kết cấu nhà ống, ban công “chuồng cọp” chính là nguyên nhân chính khiến các nạn nhân không có lối thoát khi xảy ra hỏa hoạn và là trở lực ngăn lực lượng cứu hộ cứu người.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), hiện trên địa bàn thành phố có hơn 500 nghìn nhà dạng hình ống đang được sử dụng và con số sẽ còn gia tăng. Theo dõi các vụ cháy xảy ra trong thời gian gần đây, có một nguyên nhân rất đáng chú ý, đó là sự chuyển dịch công năng sử dụng của nhà ống một cách tùy tiện, thiếu kiểm soát.

Kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương (Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng) chỉ rõ, nhiều ngôi nhà ban đầu có chức năng nhà ở gia đình, sau chuyển sang chức năng mới như cửa hàng dịch vụ, văn phòng cho thuê, bar karaoke... nhưng gần như không được nâng cấp về biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Một số trường hợp đã có điều chỉnh về vật liệu xây dựng, tổ chức thang thoát hiểm bổ sung, nhưng giải pháp cơ bản mang tính tình thế, thiếu bài bản, có chất lượng thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy. Do vậy, khi xảy ra cháy nổ trong nhà ống, thiệt hại thường rất lớn. Để khắc phục điều này, cần sớm quy định nhà ống khi bổ sung hoặc chuyển đổi công năng thì cần đảm bảo các yêu cầu chặt chẽ như công trình công cộng. Với những nơi tập trung đông người, dễ gây cháy nổ như xưởng sản xuất, bar karaoke... thì không cho phép cải tạo, bổ sung chức năng mà phải xây dựng, cải tạo đồng bộ theo đúng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy nhà công cộng.

Ban công thông thoáng giúp thoát hiểm dễ dàng hơn.

Hướng tới giải pháp căn cơ

Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, về nguyên nhân xảy ra các vụ cháy nhà ống, trước tiên là do các ngôi nhà ống bị xuống cấp hoặc do sự bất cẩn của người dân. Để khắc phục điều này, cần hỗ trợ người dân kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình, đặc biệt là hệ thống kỹ thuật như đường cấp điện, gas, cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống cháy nổ. Trung tá Nguyễn Hoàng Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an huyện Thường Tín, cho biết thêm, nguy cơ cháy lan từ các hộ gia đình bên cạnh cũng khá cao. Hiện nay, đối với công trình công cộng, tiêu chuẩn chống cháy lan và quy trình kiểm định có thể xem là khá chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với các công trình nhà ống, đặc biệt là nhà trong các khu đô thị cũ, việc quản lý và thanh tra, kiểm tra nội dung chống cháy lan đối với công trình nhà ống do người dân tự xây dựng là rất khó khăn.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm: Ban công các tòa nhà, đặc biệt là các căn hộ hình ống, nhà tập thể lắp “chuồng cọp” kiên cố để tránh trộm cắp, tăng diện tích sinh hoạt nhưng lại chính là “yếu huyệt” khi xảy ra hỏa hoạn. Do vậy, cần nâng cao ý thức của các gia đình và tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của chính quyền sở tại.

Trong một hội thảo khoa học liên quan đến vấn đề trên do Bộ Xây dựng vừa tổ chức, các chuyên gia chỉ rõ, vấn đề nổi cộm gây nên thiệt hại lớn trong các tai nạn cháy nổ nhà ống chính là thiếu lối thoát hiểm, đường cứu hộ cứu nạn cho đơn vị chức năng khi có sự cố xảy ra. Để khắc phục điều này, bên cạnh việc hướng dẫn và yêu cầu người dân bố trí bổ sung đường thoát hiểm trong ngôi nhà của mình thì công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn về kỹ năng tự thoát hiểm, hỗ trợ nhau khi có cháy nổ trong khu dân cư cho cộng đồng là rất quan trọng. Để bảo đảm an toàn, tại mỗi tầng cần có ít nhất một ban công thông thoáng, không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không khóa. Nếu có khóa thì cần treo chìa khóa ngay bên cạnh, ở chỗ dễ thấy, dễ lấy đồng thời trang bị thêm búa, rìu để đề phòng tình huống xấu. Mỗi nhà cần trang bị sẵn thang, thang dây với độ dài bằng chiều cao ngôi nhà để có thể thoát nạn khi xảy ra cháy.

Hiện trường một vụ cháy nhà dân.

Khi xây dựng nhà, cần chú ý tạo lối thoát khói giúp cho ngôi nhà thoáng khí, thoát khói độc nhanh khi xảy ra cháy. Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) khuyến cáo, người dân không nên để nhiều đồ dùng ở lối cửa chính, cầu thang để dễ dàng thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp. Đối với hộ kinh doanh tại nhà dạng ống, cần sắp xếp hàng hóa, vật dụng sinh hoạt gọn gàng, cách xa các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa và phải có lối thoát hiểm dự phòng thông thoáng, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra...

Được biết, thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội triển khai mạnh mẽ các điểm chữa cháy công cộng, xây dựng các tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy, vận động người dân phá bỏ “chuồng cọp”, phát động phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy với phương châm “4 tại chỗ”... Cách làm này đã phát huy tác dụng, như gần đây, khoảng 15h ngày 7-6, khi xảy ra cháy nhà dân tại ngách 153/30, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ngay sau khi phát hiện ra cháy, các hộ dân tại ngõ 30 đã nhanh chóng sử dụng phương tiện tại chỗ đã được trang bị tại “Điểm chữa cháy công cộng” để dập lửa. Sau khoảng 10 phút bình tĩnh xử lý, đám cháy đã được bà con dập tắt hoàn toàn, không để cháy lan.

Theo Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong đó tập trung triển khai hiệu quả mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” để phát huy hiệu quả công tác phòng cháy, hạn chế tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao ý thức phòng cháy, kỹ năng thoát hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.