(HNM) - Ngày 25-10-2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 08-QĐi/TƯ quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là quy định rất cần thiết nhằm phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng nâng cao vị thế và năng lực lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến của cán bộ, đảng viên về quy định này.
Đồng chí Nguyễn Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Sở (huyện Hoài Đức):
Mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng
Hiện nay, cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đang thực hiện Quy định số 101-QĐ/TƯ ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư và Quy định số 55-QĐ/TƯ ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 08-QĐi/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Những cán bộ cấp cao nếu gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt sẽ có tính chất lan tỏa lớn. Và ngược lại, cán bộ, đảng viên không nêu gương, vi phạm các quy định thì sức ảnh hưởng cũng không kém. Do đó mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương sáng để nhân dân noi theo.
Đại tá Nguyễn Trọng Bình, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm):
Đồng tình với văn hóa từ chức
Tôi rất tâm đắc với những điều mà Quy định 08-QĐi/TƯ nêu ra. Mong rằng các lãnh đạo cao cấp gương mẫu đi đầu thực hiện, giữ vững nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong cán bộ, dám chịu trách nhiệm... Thời gian qua, có nhiều cán bộ là lãnh đạo cao cấp không gương mẫu, không thực hiện đúng trách nhiệm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường lối của Đảng, gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, theo tôi, quy định trong Khoản 8 Điều 2 về tinh thần “nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm; chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ” là hoàn toàn đúng đắn. Nếu người đứng đầu nhìn nhận rõ trách nhiệm, năng lực của mình chưa đủ để điều hành một tổ chức thì có thể chủ động xin từ chức, nhường lại cho người có năng lực lãnh đạo.
Ông Vũ Trần Thành, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 6, phường La Khê (quận Hà Đông):
Đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên
Sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những phương thức lãnh đạo mấu chốt của Đảng. Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua cho thấy, vẫn còn một số đồng chí cán bộ, đảng viên ở các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện; chưa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao... Theo tôi, những giải pháp trong Quy định 08-QĐi/TƯ thực sự quan trọng nhằm đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí lãnh đạo cấp cao, những vị trí chủ chốt ở mọi cấp. Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; công tác phòng, chống tham nhũng... qua đó góp phần làm tăng thêm sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng, tăng cường niềm tin tuyệt đối của người dân đối với Đảng.
Ông Vũ Ngọc Tháp, đảng viên sống tại phường Đội Cấn (quận Ba Đình):
Cán bộ cần nghiêm túc thực hành phê bình và tự phê bình
Từ nhiều năm trước, đã có nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trên thực tế, đã có những chuyển biến nhất định trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi tổ chức Đảng. Tuy nhiên, Quy định 08-QĐi/TƯ lần này có nhiều điểm mới, rất quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cán bộ cao cấp phải gương mẫu đi đầu, nghiêm khắc thực hiện, tạo lòng tin cho nhân dân. Đặc biệt, chúng tôi mong muốn các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống lại các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chống sự độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.