(HNM) - Bằng nhiều hoạt động đa dạng, liên kết sản xuất, xây dựng những mô hình chất lượng cao, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, địa phương... những năm qua, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nâng cao vai trò trong xây dựng nông thôn mới.
Tại huyện Ba Vì, Hợp tác xã Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (xã Vân Hòa) là đơn vị hoạt động hiệu quả, có những đóng góp thiết thực trong nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Giám đốc Hợp tác xã Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì Tạ Việt Hùng cho biết, hợp tác xã thành lập từ năm 2016, đến nay có 15 thành viên, vốn điều lệ khoảng 20 tỷ đồng, nuôi hơn 200 con bò sữa theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, hợp tác xã sản xuất khoảng 800 nghìn lít sữa, trong đó có khoảng 1,2 triệu lít sữa thành phẩm. Nhờ liên kết sản xuất, đời sống của thành viên hợp tác xã và nhiều lao động trong khu vực được cải thiện...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, ngoài hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, các hợp tác xã trên địa bàn huyện còn luôn đồng hành, tham gia cùng chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang...
Thực tế, những năm qua, các hợp tác xã phát huy mạnh mẽ vai trò trong phát triển kinh tế địa phương, đóng góp rất lớn vào chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Theo Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN& PTNT Hà Nội), đến nay, toàn thành phố có 1.253 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 1.096 hợp tác xã đang hoạt động, 154 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể. Tính riêng trong năm 2020, các hợp tác xã đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động trong xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn...
Khẳng định vai trò quan trọng của hợp tác xã nhưng theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, một số hợp tác xã vẫn chưa phát huy được thế mạnh, tiềm năng... Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của một bộ phận cán bộ và người dân chưa đầy đủ; nguồn vốn hoạt động ít...
Để tiếp tục phát huy vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, ông Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp cùng các sở, ngành, địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; đồng thời, tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, sẽ thực hiện giải thể, chuyển đổi các hợp tác xã ngừng hoạt động; giảm số hợp tác xã hoạt động trung bình hoặc yếu; khuyến khích thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành, doanh nghiệp trong hợp tác xã. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã về quỹ đất để xây dựng trụ sở làm việc, khu sơ chế, chế biến sản phẩm sau thu hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế tập thể, hợp tác xã...
Cũng theo ông Tạ Văn Tường, Hà Nội phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 70 hợp tác xã trở lên; hỗ trợ từ 50 hợp tác xã trở lên. Hằng năm, Hà Nội tiếp tục tổ chức diễn đàn về kinh tế hợp tác, hợp tác xã; triển lãm, trưng bày, giới thiệu thành tựu về kinh tế hợp tác và sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nhân rộng mô hình hay; tăng cường hợp tác, kết nối thị trường, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, các hợp tác xã hoạt động hiệu quả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.