Chiều 15-3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2024, đã diễn ra phiên thảo luận chuyên đề “Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí”.
Phát biểu tham luận tại phiên thảo luận, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức cho biết, báo Đảng đang gặp những thách thức trước yêu cầu bảo đảm nhiệm vụ cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là sự cạnh tranh khốc liệt và các tác động tiêu cực của mạng xã hội và các kênh truyền thông khác. Với sứ mệnh là tiếng nói của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân, hệ thống báo Đảng, trong đó có Báo Hànộimới có nhiều ưu thế cạnh tranh thông tin.
Hiện tại, Báo Hànộimới hằng ngày dành trang 3 để đăng chuyên đề Sự kiện và dư luận, có thông tin trao đi đổi lại giữa bạn đọc và báo. Báo Hànộimới cũng đã xây dựng và duy trì các chuyên mục chính luận, như: “Nghị quyết và Cuộc sống”,“Xây và Chống”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Luận bàn và hành động”, “Khách mời chủ nhật”... với nhiều bài phân tích sâu sắc, đưa ra chính kiến, thể hiện rõ thái độ khen, chê trước những vấn đề nóng bỏng của Thủ đô và đất nước, thẳng thắn đấu tranh với những hành vi trái pháp luật, qua đó định hướng dư luận.
Theo Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức, muốn có độc giả, muốn giữ được bạn đọc, báo Đảng phải tự làm mới, giữ bản sắc của mình, đồng thời, phải cải tiến để đáp ứng nhanh nhu cầu thông tin khi mặt bằng nhận thức của công chúng ngày càng cao.
Báo Hànộimới xác định, từ tòa soạn đến phóng viên phải đổi mới, lấy con người là trung tâm, là chủ thể... Sự đổi mới phải đáp ứng các yêu cầu: Một là, đưa tin kịp thời, chính xác; hai là, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho phóng viên, đưa thông tin hấp dẫn bạn đọc; ba là, hình thức thể hiện ngắn gọn, chắt lọc thông tin; bốn là, phương thức trình bày phải đa dạng, giúp bạn đọc dễ tiếp cận; năm là, chú trọng thông tin có tác động lớn đến người dân; sáu là, khi cần tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, chính sách lớn, được xã hội quan tâm, nhất là khi diễn ra các sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước... báo Đảng phải là kênh thông tin đi đầu, dẫn dắt dư luận.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong cho biết, với Báo Sài Gòn Giải Phóng, tính Đảng là nguyên tắc nền tảng của Báo và được thể hiện rõ trong mọi hoạt động của tờ báo cũng như các ấn phẩm của báo.
Báo Sài Gòn Giải Phóng đã thể hiện sinh động tính chiến đấu của một tờ báo Đảng ở các mặt: Đấu tranh phê bình và tự phê bình, đấu tranh lý luận và đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, trong bộ máy chính quyền và trong xã hội, góp phần tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, chống lại những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Về tính định hướng, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong dẫn một trong những ví dụ sinh động là khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là các tỉnh, thành cả nước, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã thể hiện rất rõ vai trò định hướng dư luận, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng Ngô Minh Tuấn cho biết, tính Đảng trên báo chí thể hiện ở chỗ: Qua mỗi tin, bài, người đọc có thể cảm nhận được tính đúng đắn, tính khoa học, tính cách mạng trong các nghị quyết của Đảng; đồng thời, qua những tin, bài đăng trên báo, người đọc có thể thấy được những tấm gương sáng để học tập và làm theo, thậm chí, mỗi cán bộ, đảng viên có thể cảm nhận được dáng dấp của cơ sở, địa phương và bản thân mình trong đó, báo chí đã chia sẻ, nói hộ mình, chỉ giúp cho mình những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt…
Về tính định hướng, theo Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng Ngô Minh Tuấn, tính định hướng cần được thể hiện ở hai góc độ: Một là, phải luôn luôn theo sát quan điểm của Đảng để nhìn nhận, phản ánh và giải quyết vấn đề mà báo chí đề cập. Dù đó là bài viết của một cá nhân, nhưng khi báo đăng, có nghĩa là đã đồng tình ủng hộ quan điểm của người viết (trừ những bài đăng trong mục trao đổi ý kiến mà một số báo thường làm, đưa những ý kiến trái chiều để rộng đường dư luận).
Hai là, trước một vấn đề, vụ việc cụ thể đang có ý kiến khác nhau báo chí cần nêu chính kiến của mình, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan với lý lẽ xác đáng để giúp bạn đọc hiểu rõ bản chất của sự việc, từ đó góp phần định hướng tư tưởng và ổn định dư luận xã hội. Đây là vấn đề khó, cần sự nhanh nhạy và có trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng của người viết cũng như người duyệt bài để đăng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.