(HNM) - Ra đời từ chính những đòi hỏi bức xúc, nóng bỏng của thực tế, trên cơ sở một đề án Bộ Chính trị giao Ban Tuyên giáo TƯ chủ trì chuẩn bị, Chỉ thị 46 của Ban Bí thư về
Để hiểu rõ hơn về chỉ thị này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với GS-TS Đinh Xuân Dũng (Ủy viên Thường trực Hội đồng LLPB VHNT TƯ), Trưởng ban biên soạn đề án.
Một số chương trình game online nhập khẩu mang nhiều yếu tố bạo lực là mối lo mà công luận đã lên tiếng. Ảnh: Thu Giang |
Đối tượng là văn hóa phẩm độc hại xâm nhập từ bên ngoài vào
- Thưa GS, chống các sản phẩm văn hóa độc hại là một vấn đề rất rộng, vậy Chỉ thị 46 của Ban Bí thư tập trung vào khía cạnh nào để tạo nên sức mạnh trong chỉ đạo, thực hiện?
- Chống sản phẩm văn hóa độc hại cả trong nước và từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta là điều đã nói lâu nay và đúng là phạm vi của nó rất rộng. Vì thế cần phải hiểu đúng về phạm vi của chỉ thị này. Do tính cấp thiết của vấn đề, chỉ thị đề cập tới những sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta, đặc biệt là nhấn mạnh vế "gây hủy hoại đạo đức xã hội" - điều mà lâu nay chưa được quan tâm một cách đúng mức, có hệ thống so với việc chống quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận chính trị. Trong khi đó, hai lĩnh vực này lại quan hệ chặt chẽ với nhau trong thực tiễn.
- Là người tham gia chuẩn bị Đề án "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội", ông có thể chia sẻ với bạn đọc những đánh giá sâu hơn về hiểm họa này?
- Vừa rồi đại biểu Quốc hội đã rất bức xúc đối với game online bạo lực, đa số là đưa từ nước ngoài vào. Đó chỉ là một trong những mối lo mà công luận đồng loạt lên tiếng. Chuẩn bị cho đề án này, Ban Tuyên giáo TƯ cùng các cơ quan chức năng đã hoàn thành điều tra xã hội học, khảo sát một số thành phố lớn, các tỉnh biên giới; phân tích báo cáo của nhiều địa phương, nhiều ngành liên quan. Lãnh đạo các nơi đều nhận thấy đây là vấn đề lớn song lo lắng, lúng túng vì thấy hiệu quả quản lý ngăn chặn rất thấp. Đề án nêu rõ: sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập từ bên ngoài vào gây hủy hoại trực tiếp đạo đức xã hội, nhất là thanh, thiếu niên, nguy hiểm hơn là làm cho môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của nhân dân, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau.
Đề án cũng phân tích tính phức tạp, tinh vi trong hoạt động xâm nhập này qua những con đường: mạng internet, blog cá nhân, thiết bị kỹ thuật số; cửa hàng dịch vụ văn hóa phẩm; hệ thống truyền hình TƯ và địa phương; biên dịch; du lịch; tiểu ngạch; bán dạo; bưu điện; hàng không và đường biển... Ở đây, có cả con đường xâm nhập rất sơ khai cho đến con đường hiện đại, kỹ thuật cao. Sự xâm nhập không chỉ thể hiện qua những sản phẩm nguyên bản từ bên ngoài vào mà đã đi sâu hiện hữu trong việc mô phỏng, bắt chước, sao chép nước ngoài của một số tác giả trong nước.
"Chống" bằng sức đề kháng của xã hội
- Giáo sư có thể cho biết những mục tiêu và giải pháp lớn đáng chú ý của chỉ thị?
- Chỉ thị có 3 mục tiêu, quan trọng nhất là tạo được phong trào quần chúng sâu rộng để hình thành sức đề kháng của xã hội. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý văn hóa, tạo môi trường tốt đẹp, sáng tạo nhiều tác phẩm giá trị và tiếp thu chọn lọc văn hóa của thế giới.
Giải pháp thì có nhiều, nhưng đáng chú ý là phải có kế hoạch cụ thể, tuyên truyền để người dân biết thế nào là sản phẩm văn hóa độc hại, cũng như cán bộ, lãnh đạo phải biết nhận diện, đánh giá, phân tích được mức độ độc hại của các sản phẩm văn hóa này. Thứ hai là xây dựng ngay một hệ thống các quy chế với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, như trường học, đoàn thanh niên nhằm kiên quyết bài trừ sản phẩm văn hóa độc hại. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật với chế tài đủ mạnh cũng là một giải pháp quan trọng, nhưng cần hơn nữa là sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng văn hóa, thông tin, quản lý thị trường, giáo dục, công an, hải quan… Thời gian qua, ở nhiều địa phương, sự phối hợp này còn rất hạn chế.
Làm văn hóa không thể theo thời vụ
- Bằng kinh nghiệm thực tế và cảm nhận riêng, theo GS phải mất bao lâu chúng ta mới có thể có được một "hệ phòng thủ" về giải pháp đã nêu trên?
- Làm văn hóa không thể theo thời vụ. Phong trào tốt nhưng chỉ có thời điểm, muốn bền vững phải có các quy định có tính pháp lý về mặt xã hội. Ở một số nước như Pháp và Đức họ đều có những chính sách rất cụ thể để bảo hộ nền văn hóa khỏi bị cuốn theo làn sóng văn hóa nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Gần đây, một GS Thái Lan cũng chia sẻ băn khoăn với chúng ta: Thái Lan đã thấy rõ hậu quả của sự xâm nhập này và giờ đây chưa biết Việt Nam sẽ có những giải pháp nào để kịp thời ngăn chặn.
Đã hội nhập quốc tế thì trên lĩnh vực văn hóa sẽ không thể ngăn cản sự giao lưu, trong đó có cả sản phẩm tốt và sự xâm nhập của sản phẩm độc hại. Vì vậy chỉ có cách kiên trì, như NQ TƯ 5 (Khóa VIII) đã nói: "Xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng".
- Xin cảm ơn Giáo sư!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.