(HNM) - Ngày 3-7, tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Ủy viên BCT, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp giảng tại lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý TP Hà Nội về chuyên đề
Ủy viên BCT, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân giảng bài tại lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý TP Hà Nội năm 2014. Ảnh: Viết Thành |
Trình bày quan điểm của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển KH-CN, GD-ĐT, thông qua các ví dụ minh họa sinh động, bài giảng của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giúp các học viên tìm hiểu và nâng cao nhận thức về quy luật hình thành, quá trình phát triển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế tri thức, yêu cầu tất yếu phát triển KH-CN để đáp ứng đòi hỏi trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là phải tiếp thu nhanh chóng, có lựa chọn hợp lý thành quả nghiên cứu KH-CN của nhân loại để phát triển KH-CN trong nước; đồng thời chọn ngành, chọn lĩnh vực mũi nhọn, trọng điểm, thiết yếu để đầu tư nghiên cứu. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã mạnh dạn xây dựng và áp dụng nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, trong đó có việc trao quyền sở hữu sản phẩm KH-CN cho nhà nghiên cứu; xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu trình độ cao với đề án đào tạo hai vạn tiến sĩ trong vòng 10 năm; xây dựng một số cơ sở đào tạo ĐH có trình độ quốc tế, đào tạo nghiên cứu theo nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng chú trọng hỗ trợ các sản phẩm KH-CN phục vụ sản xuất và đời sống xuất phát từ thực tiễn sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm KH-CN.
Bài giảng của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng trang bị cho học viên những kiến thức về vấn đề "toàn cầu hóa", chỉ rõ những động lực dẫn đến sự tất yếu của xu thế này. Thông tin trong bài giảng không chỉ nêu lên những vấn đề về cơ sở lý thuyết liên quan đến "toàn cầu hóa" mà còn chỉ rõ những cơ hội, thách thức của "toàn cầu hóa" đối với Việt Nam, có so sánh về tương quan quy mô sản xuất, chi phí lao động, sức hút về lao động giản đơn và lao động tri thức, thu nhập dân số so với thu nhập quốc gia, sự hình thành và xu thế phát triển có tính chất chi phối của "xã hội thông tin", "không gian mạng"...
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề cập tới yêu cầu cấp thiết phải đổi mới và nâng cao nhận thức về công tác KH-CN, GD-ĐT để phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng vừa đào tạo con người tri thức vừa sử dụng hiệu quả tri thức, gắn với việc khuyến khích học tập suốt đời. Muốn làm được việc đó phải khắc phục những yếu kém trong công tác phát triển nhân lực, chủ động làm tốt quy hoạch nguồn nhân lực, chỉ ra được cơ chế để phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thực tế của đất nước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.