Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao năng lực tài chính, huy động nguồn lực phát triển Thủ đô

Hương Thủy| 13/04/2022 17:40

(HNMO) - Chiều 13-4, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học “Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô” nhằm thu thập ý kiến, đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho biết, trong Luật Thủ đô có điều quy định về chính sách, cơ chế về tài chính của thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, nội dung này chưa phát huy hiệu quả, thực hiện chưa tương xứng với điều kiện thực tế của thành phố.

Vì vậy, Viện mong muốn các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học… đóng góp ý kiến để tăng năng lực về ngân sách, tạo sự ổn định và tính tập trung về nguồn tài chính, tăng sự linh hoạt trong điều hành ngân sách phục vụ mục tiêu phát triển Thủ đô; đồng thời, thu hút đầu tư xã hội để hỗ trợ cho nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai nhằm thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh, hiện đại.

Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cho biết, nội dung đề xuất bổ sung trong Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm tài chính - ngân sách của Thủ đô và huy động nguồn lực đầu tư phát triển cho Thủ đô. Về tài chính - ngân sách, đề xuất được đưa ra là thành phố được tăng thẩm quyền và hưởng một số chính sách tài chính - ngân sách.

Trong 9 đề xuất cụ thể, có việc được giữ ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố trong giai đoạn 10 năm; được quyết định sử dụng số tăng thu từ thu kết dư ngân sách năm trước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, số tăng thu còn lại thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015…

Với nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế của Thủ đô rất lớn, việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển cho Thủ đô là rất quan trọng. Vì vậy, 5 đề xuất được đưa ra đối với nội dung này, trong đó thành phố Hà Nội được thực hiện các hình thức đối tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực văn hóa và thể thao (có phạm vi rộng hơn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Chuyên gia đóng góp ý kiến tại tọa đàm.

Với cơ sở trên, cơ quan xây dựng chính sách đưa ra chính sách chung và phương án cụ thể gồm phương án 1: Giữ nguyên như hiện trạng (bao gồm việc Luật hóa các quy định của Nghị quyết số 115/2020/QH14; phương án 2: Thủ đô được thực hiện các cơ chế nhằm tăng năng lực về ngân sách, tạo sự ổn định và tính tập trung về nguồn tài chính, tăng sự linh hoạt trong điều hành ngân sách phục vụ mục tiêu phát triển Thủ đô; phương án 3 gồm phương án 2 và một số giải pháp.

Đóng góp tại tọa đàm, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, đầu tư theo hình thức PPP thường hạn chế dự án có quy mô nhỏ, có quy định mức tối thiểu mà không giới hạn mức tối đa. Vì vậy, việc đề xuất hình thức PPP đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao là hợp lý.

Trong khi đó, Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, đề xuất Hà Nội được giữ ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố trong giai đoạn 10 năm chưa thực sự thuyết phục vì sẽ khiến Hà Nội khó “xoay sở” khi có biến động kinh tế, tài chính của đất nước. Vì vậy, cần xem xét kỹ đề xuất trên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực tài chính, huy động nguồn lực phát triển Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.