Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ

Thu Hằng| 02/08/2022 06:35

(HNM) - Các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi đầu nguồn sáng tạo ra tri thức và công nghệ. Tuy nhiên, ở không ít đơn vị, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa hiệu quả. Vì thế, việc nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ đang là vấn đề đặt ra đối với các trường đại học và cơ quan quản lý nhà nước.

Thực hành nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Có chuyển biến nhưng chưa hiệu quả

Trong thời gian qua, các trường đại học, nhất là trường đại học kỹ thuật công nghệ đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu để có nhiều hơn bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; đồng thời chú ý đến việc khai thác nguồn tư liệu sở hữu trí tuệ mở một cách đúng quy định của pháp luật.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những đơn vị dẫn đầu các hoạt động sở hữu trí tuệ trong khối các trường đại học ở Việt Nam. Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cho biết, hoạt động quản trị và phát triển tài sản trí tuệ là một trong những lĩnh vực then chốt được nhà trường ưu tiên quan tâm đầu tư. Đến nay, trường có 22 bằng độc quyền sáng chế và 40 bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Còn Đại học Quốc gia Hà Nội trung bình mỗi năm có hơn 50 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích được chấp thuận, hơn 10 sản phẩm công nghệ được chuyển giao. Từ năm 2017, nhà trường đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ đăng ký và thương mại hóa tài sản trí tuệ cũng như có quy định riêng về sở hữu trí tuệ.

Theo thống kê hằng năm của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu đang có xu hướng tăng. Đây là dấu hiệu đáng mừng, thể hiện sự cải thiện về giá trị của các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại nhiều trường vẫn chưa hiệu quả. Nguyên nhân do các trường chưa có quy định về sở hữu trí tuệ phù hợp với điều kiện hoạt động của trường, dẫn đến khó khăn trong việc phân chia lợi nhuận khi tài sản trí tuệ được thương mại hóa. Việc xác lập quyền đăng ký bảo hộ sáng chế cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa được các nhà khoa học nhận thức một cách đầy đủ, nhiều kết quả nghiên cứu chưa tiến hành đăng ký bảo hộ sáng chế. Nhiều trường chưa thành lập tổ chức có chức năng về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ, tư vấn cho các nhà khoa học trong việc đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

“Thủ tục đăng ký các tài sản trí tuệ còn phức tạp, việc phân chia quyền sở hữu trí tuệ còn chưa thống nhất, nên nhiều nhà khoa học lựa chọn công bố bài báo khoa học, không tính đến việc khai thác các sở hữu trí tuệ lâu dài”, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức Bùi Văn Dũng cho hay.

Cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng, để nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ từ phía các trường đại học, cần phải hình thành những tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục xin bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ cho các giải pháp hữu ích hay bằng độc quyền sáng chế; đồng thời hỗ trợ cán bộ, giảng viên trong việc bảo đảm tính pháp lý cho nghiên cứu của mình.

“Để bảo đảm nhà trường, doanh nghiệp có động lực thúc đẩy tốt hơn các tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ, các cơ quan nhà nước cần có những giải pháp để bảo đảm không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm việc thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và có cơ chế hỗ trợ tốt hơn cho những nguồn kinh phí thực hiện nghiên cứu khoa học và sáng tạo ở các trường đại học”, ông Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

Còn Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức Bùi Văn Dũng mong muốn Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ cho cán bộ, giảng viên và sinh viên năm cuối; có cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho việc tạo lập, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ của nhà trường.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng cho hay, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tập huấn bồi dưỡng về sở hữu trí tuệ trong các trường đại học luôn được Cục quan tâm. Từ năm 2019, Cục đã xây dựng và phát triển mạng lưới Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (TISC). Hiện đã có hơn 50 trường đại học, viện nghiên cứu là thành viên của TISC.

“Cục cũng đang triển khai dự án khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ, nhằm tạo ra hệ sinh thái sở hữu trí tuệ, xây dựng một mạng lưới các tổ chức sở hữu trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, giúp hoạt động này phát triển mạnh mẽ. Trong khuôn khổ dự án, các chuyên gia nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong chuyển giao công nghệ ở các viện nghiên cứu, trường đại học trên thế giới sẽ phân tích về quản trị tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ, chia sẻ lợi ích, giúp các trường xây dựng mô hình quản trị tài sản trí tuệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ”, ông Trần Lê Hồng cho biết thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.