(HNM) - Sau hơn một năm TP Hà Nội triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp xã, phường, thị trấn, tại nhiều đơn vị, tỷ lệ người dân tự làm hoàn chỉnh thủ tục lên tới 70%.
Tuổi trẻ phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Bá Hoạt |
Đa dạng cách giúp người dân
Hạ Đình (quận Thanh Xuân) là một trong những phường tiên phong thực hiện mô hình “Khu dân cư, tổ dân phố điện tử”. Tại nhà sinh hoạt cộng đồng của tổ dân phố số 6 có bố trí bảng hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến và máy tính phục vụ người dân ở 3 tổ dân phố 6, 7, 8 làm thủ tục hành chính. Cùng với đó, phường bố trí “tổ thanh niên xung kích” luôn sẵn sàng hướng dẫn người dân cách nộp hồ sơ qua mạng. Mô hình này giúp người dân không cần đến phường mà vẫn nộp được hồ sơ.
Không riêng phường Hạ Đình, nhiều địa phương khác trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức mô hình “khu chung cư điện tử” như: Phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân); phường Gia Thụy (quận Long Biên); phường Phúc La (quận Hà Đông)… Đặc biệt, để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt kết quả cao, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo mở điểm hỗ trợ sử dụng dịch vụ tại các điểm dân cư. Hiện trên toàn quận Hà Đông có 34 điểm hỗ trợ tại 17 phường. Các điểm này được trang bị đầy đủ thiết bị (máy tính, máy in, máy scan, mạng internet, bàn ghế, nước uống…), góp phần quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, tại một số quận như Long Biên, Thanh Xuân đã đẩy mạnh việc phối hợp với các nhà trường tổ chức lớp học cho học sinh lớp 8 hiểu về dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở kiến thức về công nghệ thông tin đã được học. Qua đó, các em có kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể hướng dẫn cho chính người thân trong gia đình thực hiện các thủ tục. Một “kênh” nữa khá hiệu quả là toàn bộ các xã, phường, thị trấn đều có các tờ rơi in cụ thể thao tác và sơ đồ thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Tại địa bàn các xã, người dân giờ đây cũng quen hơn với khái niệm “làm thủ tục qua mạng”. Ông Tạ Xuân Nghiêm, ở số 15, tập thể Đại lý vận tải, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì vừa hoàn thành thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân cho mẹ vui mừng chia sẻ: “Tôi được cán bộ hướng dẫn rồi tự khai thông tin trên điện thoại thấy cũng dễ dàng, nhanh chóng. Đặc biệt là chỉ trong vòng 30 phút sau khi đăng nhập thành công, tôi đã nhận được kết quả”.
Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng bộ phận “một cửa” UBND xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Đình Hiếu cho biết: “Thời gian đầu thấy phải điền trên điện thoại, máy tính, công dân rất ngại nhưng sau khi chúng tôi thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền như hướng dẫn trực tiếp tại bộ phận “một cửa”, phát tờ rơi, thông báo trên loa truyền thanh, dán tại nhà văn hóa của 3 thôn cùng 11 tổ dân phố…, người dân đã biết và tự nộp hồ sơ qua mạng khá nhiều. Trong đó, thủ tục đăng ký kết hôn đạt 100% các cặp thanh niên đăng ký qua mạng”.
Xây dựng “công dân điện tử”
Người dân xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại điểm của xã. Ảnh: Bá Hoạt |
Thời gian đầu khi mới triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp xã lĩnh vực tư pháp (cuối năm 2016), người dân còn bỡ ngỡ với hình thức mới này nên cán bộ thường phải làm thay khiến áp lực công việc lớn. Sau hơn một năm triển khai, với việc mỗi đơn vị, địa phương tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tỷ lệ người dân tự làm thủ tục đã nâng lên. Nếu như thời gian đầu mới triển khai chỉ có khoảng 10-30% người dân tự làm, thì nay đã nâng lên 70-80% tùy từng địa bàn.
Anh Nguyễn Vinh Chuyển, công chức văn phòng - thống kê xã Văn Bình, huyện Thường Tín cho biết: “Đôi khi hướng dẫn người chưa tiếp cận với thiết bị công nghệ còn mệt hơn mình làm hộ. Nhưng một người cán bộ không thể mãi làm hộ hàng nghìn công dân, hơn nữa, mục tiêu hướng tới là xây dựng chính quyền điện tử thì phải có những công dân điện tử, vì thế, tôi hướng dẫn chứ không làm thay”. Chị Hoàng Thị Ánh Thủy, công chức tư pháp - hộ tịch xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) cũng cùng quan điểm: “Chúng tôi chỉ làm giúp những trường hợp người cao tuổi không có điện thoại di động thông minh và không biết đánh máy tính, còn lại mọi công dân phải tự làm. UBND xã đã trang bị máy tính tại bộ phận “một cửa” và phát wifi để tạo thuận lợi cho người dân làm thủ tục qua mạng”.
Tuy nhiên, chưa phải địa bàn nào công chức và người dân cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng những “công dân điện tử”. Chị Trần Thị Đào Phượng, công chức tư pháp - hộ tịch xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn chia sẻ: “Dù xã đã có nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn nhưng hiện vẫn ít người dân tự làm. Không chỉ người già mà ngay cả nhiều thanh niên cũng cho biết chưa dùng máy tính bao giờ nên nhờ chúng tôi làm giúp”. Đây cũng là tâm lý chung của không ít người dân còn ngại tiếp cận với công nghệ thông tin, muốn dựa vào công chức. Trong khi đó, nếu số lượng người dân đến “nhờ” nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn của công chức.
Theo kế hoạch của Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2018 sẽ hoàn thành 65% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tỷ lệ giao dịch trực tuyến qua mạng đạt trên 90%. Cũng trong năm nay, TP Hà Nội sẽ triển khai kiến trúc chính quyền điện tử, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Do đó, mỗi công dân, cán bộ, công chức cần nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, chủ động tiếp cận để thích ứng tốt với môi trường hiện đại hóa trong quản lý, điều hành và phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Hiện TP Hà Nội có hơn 450 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó, riêng năm 2017, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thành 78 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tới 9 sở, 584 xã, phường, thị trấn, 30 quận, huyện, thị xã. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.