(HNM) - Vốn dĩ từ xưa gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc cùng với bà con nông dân thôn Trung, xã Hồng Sơn (Mỹ Đức) chỉ biết cày cấy theo kinh nghiệm. Trồng cây gì, nuôi con gì, chăm sóc ra sao thì cứ mông lung.
Gia cảnh khó khăn lại nuôi các con ăn học xa nhà, nghèo mãi đâm ra bức bối, nhiều đêm anh Ngọc lo nghĩ mất ngủ. Suy tính mãi, cuối cùng con đường thoát nghèo được vạch ra là phải học cách người ta chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả để về áp dụng. Hễ Trung tâm Khuyến nông về xã tập huấn, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt, anh Ngọc và vợ sẵn sàng bỏ cả buổi làm phu hồ, buổi chợ phiên để đến học. Cuốn vở ô ly học sinh cầm theo ghi chi chít những lời hướng dẫn cách xây chuồng trại, phòng chống dịch bệnh cho đến cách chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Sau những buổi học đó, anh Ngọc quyết tâm đầu tư mua giống mới, xây chuồng trại để nuôi lợn. Ngay mùa thu hoạch đầu tiên anh Ngọc đã có lãi. Số tiền lãi đủ để cả nhà mua một chiếc xe máy cho vợ chạy chợ. Từ khi được học các lớp dạy nông dân cách làm nghề nông gia đình anh Ngọc và nhiều nông dân khác ở Hồng Sơn biết cách bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm; vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân.
Anh Ngọc bảo, người nông dân cả đời gắn bó với ruộng vườn nên rất cần kiến thức mới về trồng trọt, chăn nuôi. Khi có kiến thức rồi, nông dân sẽ có cơ hội làm giàu chính đáng và chắc chắn không phải "bỏ làng ra phố" làm thuê.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.