Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Thế Văn| 21/02/2023 06:10

(HNM) - Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có hơn 3.000 hợp tác xã; 250 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững…

Trên phạm vi toàn cầu, thực tiễn đã chứng minh, kinh tế tập thể là mô hình phù hợp với điều kiện cạnh tranh gay gắt của thế giới hiện đại. Với Việt Nam, mô hình hợp tác xã, không chỉ liên kết các hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ để tạo động lực mới mà còn khắc phục được hạn chế “cố hữu” là sản xuất nhỏ lẻ.

Do vậy, đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, phát triển các hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài.

Những năm vừa qua, Hà Nội đã chú trọng phát triển kinh tế tập thể và “gặt hái” không ít thành công. Các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn sản xuất với chuỗi giá trị xuất hiện ngày càng nhiều. Trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể kể đến Hợp tác xã Hoàng Long với chuỗi lợn sinh học, Hợp tác xã Nông lâm xã Bắc Sơn với chuỗi chè an toàn Bắc Sơn, Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam với chuỗi chuối VietGAP…

Từ việc chủ động tìm kiếm đối tác, liên kết sản xuất, kinh doanh; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới; áp dụng tiêu chuẩn chất lượng…, các hợp tác xã đã tạo nền tảng nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập cho thành viên, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp, nông thôn…

Tuy nhiên cũng có một thực tế là, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn có hàng trăm hợp tác xã ngừng hoạt động với nhiều vướng mắc nên chưa giải thể; nhiều hợp tác xã quy mô nhỏ, không đủ khả năng tích lũy để tái đầu tư phát triển hay mở rộng ngành nghề; trình độ quản trị, năng lực điều hành có một khoảng cách khá xa so với yêu cầu phát triển; khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; những vấn đề về thông tin thị trường hay hoạch định phát triển... còn hạn chế. Nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi một hệ thống giải pháp đồng bộ.

Hiện thực hóa Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, trước hết các cơ quan chức năng của thành phố cần có phương án cụ thể về việc giải thể các hợp tác xã đã ngừng hoạt động. Đồng thời, tổ chức lại các hợp tác xã hoạt động yếu kém; tạo cơ chế hình thành các tổ chức kinh tế tập thể gắn với chuỗi giá trị, tăng trưởng xanh bền vững và có tác động lớn với cộng đồng.

Cùng với việc tập trung xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo cụm liên kết ngành hàng, tạo giá trị bền vững cho sản phẩm, cần xây dựng các mô hình điểm liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Mặt khác, các cơ quan chức năng của thành phố cần hỗ trợ hợp tác xã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; tham gia hội trợ, triển lãm trong nước và quốc tế để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời tăng cường kết nối để các hợp tác xã tìm kiếm đối tác, nhà phân phối, đại lý…

Điều quan trọng nhất là đổi mới nhận thức về kinh tế tập thể và mỗi hợp tác xã, mỗi thành viên cần phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo động lực phát triển mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.