Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống đài truyền thanh cơ sở

Nguyễn Ngọc - Mai Nhuệ| 17/04/2021 09:40

(HNNN) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1246/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo đó, các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phường, xã, thị trấn quyết định số lượng loa và cụm loa phù hợp với điều kiện thực tế, có tính đến đặc điểm cộng đồng dân cư.

Phát thanh viên Đài Phát thanh Sóc Sơn thực hiện chương trình thời sự.

Hiệu quả không thể phủ nhận

Hệ thống đài truyền thanh phường, xã, thị trấn đã có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, Thủ đô. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, một số nội dung, đặc biệt là giờ phát thanh không phù hợp, đã gây sự khó chịu trong nhân dân, nhất là ở khu vực nội thành. Để nâng cao chất lượng hệ thống truyền thanh phường, xã, thị trấn, ngày 1-8-2017, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5133/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo đó, các phường thuộc các quận duy trì từ 5 - 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa), vị trí lắp đặt loa do UBND quận căn cứ điều kiện thực tế để quyết định. Thị xã Sơn Tây và các huyện duy trì hệ thống đã có nhưng sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đề án cũng thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phục vụ công tác thông tin cơ sở, từng bước thay thế hệ thống truyền thanh tại các phường thuộc nội thành.

Trên thực tế, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn đã có đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Cẩm Văn (phường Cống Vị, quận Ba Đình) cho rằng, thông tin về tình hình dịch bệnh giúp người dân chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch. Các thông tin liên quan tới việc triệu tập công dân nhập ngũ, làm căn cước công dân, các chính sách liên quan tới người cao tuổi... cũng rất hữu ích.

Ở ngoại thành, vai trò của đài truyền thanh xã càng lớn, đặc biệt là với những nơi xa trung tâm. Trưởng Đài Truyền thanh xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) Trịnh Thị Giang cho biết, Bắc Sơn là xã xa trung tâm huyện nhất, có 9 thôn và hơn 17.500 nhân khẩu. Địa bàn rộng, lại là khu vực rừng núi nên vai trò của đài truyền thanh càng quan trọng, là phương tiện tốt để thông tin, triển khai nhiệm vụ đến các thôn làng. Trong các đợt dịch Covid-19, Đài Truyền thanh xã đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến biện pháp phòng, chống dịch thông qua việc tiếp sóng chương trình của đài huyện 2 lượt/ngày, biên tập các chương trình chuyên đề hằng tuần để tuyên truyền đến người dân. Ông Trần Đình Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn chia sẻ, những năm qua Đài Truyền thanh xã không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách mà còn là công cụ đắc lực để huy động các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả.

Là một trong 3 xã trọng điểm bị ảnh hưởng bởi Khu liên hợp xử lý chất thải, việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là không chặn xe rác, đã được Đảng ủy và UBND xã Nam Sơn đặc biệt coi trọng. Ông Hoàng Văn Chung, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho hay: Toàn xã có 75 loa truyền thanh được lắp đặt ở 5 thôn, hiện hoạt động rất hiệu quả. Khi cần đưa chủ trương, Nghị quyết của Đảng ủy - HĐND, chỉ đạo của UBND đến với người dân thì kênh phát thanh - truyền thanh vẫn là phương tiện phổ biến nhanh nhất, hiệu quả nhất, đặc biệt là với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đài Truyền thanh xã Nam Sơn truyền thanh trực tiếp các kỳ họp của HĐND xã để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát các hoạt động của Hội đồng, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của các đại biểu dân cử tại địa phương...

Ông Quách Vũ Lập, người có hơn 30 năm gắn bó với công tác truyền thanh của xã Đức Hòa (huyện Sóc Sơn) cho rằng, ở nông thôn, khi cần tập hợp nhân dân, không cách nào nhanh và hiệu quả bằng những chiếc loa phát thanh. Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng), rất nhiều người dân vẫn giữ thói quen nghe “đài xã”, “đài huyện” bởi đây là kênh thông tin gần gũi, bổ ích đối với họ. Có loa truyền thanh, dù đang làm việc ngoài đồng, bãi, làm nghề, hoặc làm bất cứ việc gì khác thì họ vẫn có thể nắm bắt được thông tin cần thiết. Đặc biệt, việc đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 qua “đài xã” được đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục, kể cả thứ bảy, chủ nhật nên đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy họ chủ động, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 một cách có hiệu quả.

Nâng chế độ đãi ngộ và trình độ nghiệp vụ

Sự nỗ lực của các cán bộ, nhân viên hệ thống phát thanh xã, phường, thị trấn là không thể phủ nhận. Bà Thế Thị Hồng Thắm, cán bộ phụ trách Đài Phát thanh xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) cho biết: Các chương trình phát thanh do “đài xã” sản xuất luôn bám theo nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, thời gian gần đây, Đài Phát thanh xã Tân Hội tập trung cao độ tuyên truyền cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, công tác phòng, chống dịch Covid-19, đưa tin về các hội nghị quan trọng diễn ra tại địa phương cũng như thành phố Hà Nội, về công tác vệ sinh môi trường, xây dựng đời sống văn hóa mới, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Việc được lắp đặt hệ thống loa phát thanh, máy thu âm mới đã giúp nâng cao chất lượng nội dung thông tin đưa tới người dân. Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết (Tổ Thông tin tuyên truyền, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Phúc Thọ) khẳng định: Ngoài các tin thời sự, đài còn sản xuất các chương trình chuyên đề, lựa chọn những vấn đề, câu chuyện thực tế, gần gũi, thiết thực với cơ sở nên vẫn thu hút một lượng thính giả khá đông nghe đài.

Bà Đoàn Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Sóc Sơn cho biết: Hiện nay, huyện Sóc Sơn đang duy trì hiệu quả hoạt động của Đài Phát thanh huyện và Đài Truyền thanh tại 26 xã, thị trấn. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Sóc Sơn (trước năm 2017 là Đài Phát thanh Sóc Sơn) thường xuyên cử cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do thành phố Hà Nội tổ chức. Mặt khác, định kỳ hằng năm, huyện Sóc Sơn đều tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo hướng “cầm tay chỉ việc” nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ viết tin bài cho đội ngũ cán bộ Đài truyền thanh các xã, thị trấn. Thế nhưng, hiện nay, cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho cán bộ, nhân viên truyền thanh ở cơ sở còn thấp, đồng thời cán bộ phụ trách đài cũng thường xuyên thay đổi nên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác truyền thanh cơ sở...

Còn theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Vỹ, hệ thống phát thanh cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, đồng thời giúp cho việc chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, UBND cấp xã đạt hiệu quả cao hơn, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương phát triển... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Vỹ, thực tế trên địa bàn huyện cho thấy, hiện vẫn còn một số đài truyền thanh xã hoạt động chưa hiệu quả, có đài không thường xuyên truyền tiếp sóng của đài cấp trên, không tự sản xuất được chương trình phù hợp với địa phương... Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế này là cán bộ đài truyền thanh cơ sở chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ. Phần lớn các đài truyền thanh trên địa bàn huyện Mỹ Đức chỉ có 1 nhân viên phụ trách sau khi sắp xếp lại, tinh giản biên chế...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của đài truyền thanh cơ sở, việc tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng mạng lưới truyền thanh cơ sở, nâng chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác truyền thanh xã, phường, thị trấn là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ đài truyền thanh cơ sở để việc xây dựng, biên tập các chương trình phát thanh đúng, trúng và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Thành phố Hà Nội đã giao quyền chủ động, các địa phương cần tích cực, sáng tạo, linh hoạt hơn để việc tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh phường, xã, thị trấn thêm sát, đúng và trúng hơn, đáp ứng yêu cầu ngày một nâng cao của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống đài truyền thanh cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.