Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp

Việt Tuấn| 04/04/2017 07:06

(HNM) - Đề án 04-ĐA/TU của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2011-2016” ban hành trước khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có hiệu lực thi hành, song các nội dung đều phù hợp với luật định.

Tuần qua, Thường trực HĐND thành phố đã khảo sát tại một số địa phương để tham mưu cho Thành ủy Hà Nội tiếp tục thực hiện Đề án 04-ĐA/TU gắn với Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.


Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu trong buổi làm việc tại quận Tây Hồ.Ảnh: Nhật Nam


Khó khăn từ thực tiễn cơ sở

Hiện nay, các ban của HĐND cấp huyện trên địa bàn thành phố đều theo mô hình: Trưởng ban tham gia cấp ủy kiêm nhiệm và phó ban chuyên trách. Trong khi đó, hai ban của HĐND cấp xã, cả trưởng và phó ban đều kiêm nhiệm. Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình các ban của HĐND cấp huyện hiện tại là phù hợp và phát huy tốt vai trò, nhưng mô hình hai ban của HĐND cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu, cần củng cố.

Cụ thể về cấp cơ sở, Chủ tịch HĐND phường Bưởi (quận Tây Hồ) Phan Thị Thúy Nga cho rằng, bộ máy hai ban của HĐND phường mới đi vào hoạt động ổn định và cần phải bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động cho đội ngũ. Để phát huy chức năng của Thường trực, các ban HĐND cấp xã cần bố trí cán bộ giúp việc cho HĐND cấp xã, bởi bộ phận giúp việc đang đảm nhận nhiệm vụ vừa phục
vụ HĐND, vừa phục vụ UBND.

Chưa kể, theo Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Xuân Phương, trưởng các ban của HĐND cấp xã chỉ là đảng ủy viên, khi tham gia giám sát thực hiện nghị quyết của HĐND, chủ thể thực hiện đều là phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND chắc chắn sẽ gặp khó khăn, khó sâu sát. Còn theo Chủ tịch HĐND xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) Nguyễn Ngọc Đoàn, hai ban của HĐND cấp xã chưa phát huy sức mạnh, tính chất như luật quy định. Đặc biệt, chức năng, nhiệm vụ của hai ban kinh tế - xã hội, ban pháp chế HĐND cấp xã chưa cụ thể, rõ ràng như cấp huyện, nên gặp khó khăn trong quá trình hoạt động.

Vì thế, các đại biểu mong muốn HĐND thành phố sớm kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định cụ thể về hoạt động của các ban HĐND cấp xã, để nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở. Về cơ cấu bộ máy HĐND cấp xã, hiện tại có một phó chủ tịch và hai ban HĐND; trong khi đó UBND cũng chỉ có một phó chủ tịch là quá ít, đề nghị HĐND thành phố xem xét, kiến nghị, sắp xếp bộ máy cho phù hợp.

Đối với cấp huyện, đánh giá về kết quả thực hiện Đề án 04-ĐA/TU, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho rằng, mô hình bí thư kiêm chủ tịch HĐND cấp quận, cấp phường; hai phó chủ tịch HĐND cấp quận; trưởng các ban là ủy viên ban thường vụ hoạt động kiêm nhiệm; phó ban là ủy viên ban chấp hành đảng bộ hoạt động chuyên trách là phù hợp. Còn theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân, trong lúc đang thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ cần hết sức chú ý bố trí, sắp xếp cán bộ sao cho hiệu quả, mới tinh giản được biên chế. Với quy mô như ở huyện Gia Lâm, HĐND cấp huyện chỉ cần một phó chủ tịch HĐND và hai ban HĐND là phù hợp.

Đích đến là chất lượng và hiệu quả

Trên bình diện chung, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam đánh giá, việc Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 04-ĐA/TU là bước đột phá về công tác cán bộ trong tổ chức HĐND các cấp, phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Việc thực hiện Đề án đã tăng đại biểu chuyên trách cho HĐND các cấp; bộ máy của HĐND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn được quan tâm, tăng cường hơn trước. Dù vậy, trong hoạt động thực tiễn đã nảy sinh một số vấn đề bất cập. Nhiều quận, huyện phản ánh, theo quy định hiện tại, cấp huyện có hai phó chủ tịch HĐND, nhưng thực tế chỉ cần một phó chủ tịch là đủ, nên điều chuyển một phó chủ tịch sang giữ chức danh phó chủ tịch UBND cấp huyện.

Thêm nữa, trưởng các ban HĐND cấp huyện đều kiêm nhiệm, không chuyên sâu, trong khi thực tiễn hoạt động cần thiết phải là cán bộ chuyên trách. Thực tiễn cũng cho thấy cần thiết phải tách bộ phận văn phòng HĐND cấp huyện, cấp xã như mô hình HĐND cấp tỉnh nhằm tránh chồng chéo trong công việc, bảo đảm được tính chuyên sâu… Vì vậy, Thường trực HĐND thành phố đã và tiếp tục làm việc với các địa phương để nắm bắt, khảo sát thực tiễn, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp cho phù hợp, gắn với thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ nhằm bảo đảm bộ máy tinh gọn, phát huy hiệu quả.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, ngay sau khi làm việc với các địa phương về kết quả thực hiện Đề án 04-ĐA/TU của Thành ủy, Đảng đoàn, Thường trực HĐND thành phố sẽ tham mưu với Thành ủy Hà Nội tiếp tục thực hiện Đề án 04 gắn với việc thực hiện Nghị quyết 39 - NQ/TƯ. Trong đó, một số kiến nghị, đề xuất của HĐND các quận, huyện về cơ cấu phó chủ tịch, trưởng các ban HĐND cũng sẽ được xem xét trên cơ sở quy mô dân số từng địa phương chứ không thực hiện đại trà. Mục tiêu quan trọng nhất của việc thực hiện Đề án 04-ĐA/TU gắn với Nghị quyết 39-NQ/TƯ là tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.