(HNM) - Không chỉ lạc hậu về căn cứ pháp lý, bộ Quy trình, định mức kinh tế, kỹ thuật và đơn giá duy trì, vận hành hệ thống tưới, tiêu trên địa bàn thành phố Hà Nội còn gây ra những khó khăn cho các cơ quan quản lý và đơn vị thực hiện. Để nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ thủy lợi, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tập trung rà soát, điều chỉnh bộ quy trình, định mức, đơn giá nêu trên...
Bộ Quy trình, định mức kinh tế, kỹ thuật và đơn giá duy trì vận hành hệ thống tưới, tiêu trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 1752/QĐ-UBND ngày 16-3-2017 của UBND thành phố (bộ Định mức, đơn giá 1752) là căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác đặt hàng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thủy lợi. Tuy nhiên, theo phản ánh của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thủy lợi, bộ định mức, đơn giá nêu trên đã không còn phù hợp thực tế.
Ông Nguyễn Văn Hữu, Phụ trách Ban Quản lý dịch vụ thủy lợi Hà Nội cho biết, nhiều căn cứ pháp lý quan trọng áp dụng để xây dựng bộ định mức này đã không còn hiệu lực... Hơn nữa, bộ Định mức, đơn giá 1752 cũng chưa tính toán cụ thể nhu cầu nước cho cây trồng và thủy sản phù hợp diễn biến thời tiết của từng vùng. Bên cạnh đó, bộ Định mức, đơn giá 1752 được xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính từ năm 2009 và 2014, gồm 12 khoản mục chi. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30-6-2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, giá thành toàn bộ của sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi bao gồm 5 khoản chi phí, đó là: Chi phí vận hành; bảo trì; khấu hao tài sản cố định; quản lý và chi phí thực tế hợp lý khác. Các khoản trên được chia nhỏ thành 27 đầu mục; trong đó, phần lớn các đầu mục chi chưa được đề cập trong bộ Định mức, đơn giá 1752, như: Chi tài chính, chi cấp phép khai thác và sử dụng nước mặt, chi phí khai thác sử dụng tài nguyên nước, chi phí xây dựng phương án bảo vệ công trình thủy lợi, chi phí xây dựng quy trình bảo trì công trình thủy lợi, chi phí cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi...
“Áp dụng bộ Định mức, đơn giá 1752, doanh nghiệp thủy lợi cũng bị thiệt thòi...” là ý kiến chung của các doanh nghiệp thủy lợi thành phố. Nói rõ hơn vấn đề này, ông Trần Thanh Toàn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho biết, đơn giá của bộ Định mức, đơn giá 1752 được tính theo đơn vị đồng/ha. Trong đơn giá cho 1ha có đầy đủ các loại công việc: Bảo vệ, duy trì, chống vi phạm, vận hành công trình... Vì vậy, mỗi khi hệ thống công trình thủy lợi có thay đổi, hoặc diện tích có biến động là đơn giá đã không còn đúng...
Trao đổi vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, nguyên nhân dẫn đến bất cập trên là do những căn cứ pháp luật để xây dựng bộ Định mức, đơn giá 1752 đã thay đổi. Để khắc phục những bất cập nêu trên, nâng cao chất lượng cung ứng sản phẩm dịch vụ thủy lợi, phù hợp các quy định hiện hành của pháp luật, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao Chi cục Thủy lợi phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát để xây dựng bộ định mức, đơn giá theo hướng không phụ thuộc thay đổi của hệ thống công trình thủy lợi, diện tích sản xuất nông nghiệp; dễ dàng xác định giá gói thầu; có cơ sở pháp lý để giám sát, nghiệm thu, thanh toán hợp đồng cung cấp sản phẩm dịch vụ thủy lợi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.