Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ thủy lợi

Kim Nhuệ| 17/03/2021 07:35

(HNM) - Bộ định mức kinh tế, kỹ thuật và đơn giá là công cụ đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý dịch vụ thủy lợi. Tuy nhiên, sau khi Luật Thủy lợi có hiệu lực (từ ngày 1-7-2018), công cụ này đã bộc lộ bất cập. Khắc phục tình trạng này không chỉ phù hợp với quy định pháp luật hiện hành mà còn góp phần nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ thủy lợi...

Nhiều tuyến kênh nội đồng trên địa bàn xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) bị xuống cấp.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Lê Văn Lanh cho biết, thực hiện Luật Thủy lợi và quyết định của thành phố Hà Nội, hợp tác xã được UBND huyện Chương Mỹ và xã Nam Phương Tiến giao quản lý 2 trạm bơm, 32km kênh, làm nhiệm vụ dẫn nước tưới, tiêu úng hơn 400ha sản xuất nông nghiệp, dân sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, do kinh phí thu từ giá dịch vụ thủy lợi nội đồng 36.000 đồng/sào, chỉ đủ trả thù lao cho 20 thủy nông viên nên hợp tác xã không có kinh phí sửa chữa thường xuyên, dẫn tới nhiều công trình tưới, tiêu trên địa bàn thuộc đơn vị quản lý, khai thác bị hư hỏng...

Tương tự, nhiều công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thường Tín... đang bị xuống cấp, làm thất thoát nguồn nước tưới, kéo dài thời gian tiêu nước... “Để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ thủy lợi, huyện Mỹ Đức rất mong cơ quan chức năng tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành bộ định mức kinh tế, kỹ thuật và đơn giá cung cấp dịch vụ thủy lợi phù hợp với quy định pháp luật, chế độ chính sách hiện hành...”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến trên, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố Hà Nội cũng chỉ ra nhiều bất cập... “Hiện đơn giá duy trì, vận hành hệ thống tưới, tiêu mà thành phố Hà Nội đang áp dụng được tính trên 1ha tưới nghiệm thu quy đổi ra lúa là không phù hợp. Bởi thực tế, trong khi số công trình thủy lợi ngày càng tăng thì diện tích trồng lúa ngày càng thu hẹp do chuyển đổi hoặc bị nông dân bỏ hoang... Nếu áp dụng cách tính như hiện nay, các doanh nghiệp thủy lợi sẽ rất thiệt thòi...”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường chỉ rõ và kiến nghị cơ quan liên quan sớm điều chỉnh bất cập.

Liên quan vấn đề trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, do trước đây, thành phố Hà Nội chỉ đặt hàng các doanh nghiệp nhà nước quản lý công trình, cung cấp dịch vụ thủy lợi. Thực hiện Luật Thủy lợi, cuối năm 2020, thành phố Hà Nội đã phân cấp cho cấp huyện được đặt hàng các tổ chức thủy lợi cơ sở (hợp tác xã) quản lý công trình, cung cấp dịch vụ thủy lợi nội đồng. Tuy nhiên, do bộ định mức, đơn giá hiện hành lại chưa được điều chỉnh, bổ sung đối tượng theo quy định phân cấp, dẫn tới những bất cập...

Để khắc phục tình trạng này và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về cung cấp dịch vụ thủy lợi, ngày 3-3 vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã báo cáo, đề xuất UBND thành phố Hà Nội giao cho đơn vị xây dựng bộ Định mức kinh tế, kỹ thuật và đơn giá cung cấp dịch vụ thủy lợi trên địa bàn thành phố, trong đó có một số nội dung phù hợp với chế độ chính sách, quy định pháp luật hiện hành...

“Nếu được chấp thuận, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ hoàn thành và trình UBND thành phố quyết định ban hành bộ Định mức kinh tế, kỹ thuật và đơn giá cung cấp dịch vụ thủy lợi trong quý IV năm 2021...”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải thông tin thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ thủy lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.