Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường trước diễn biến mới

Lam Giang| 21/01/2021 18:18

(HNMO) - Chiều 21-1, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trước những biến động của kinh tế - xã hội, đặc biệt là tác động tiêu cực của dịch Covid-19, năm 2020 hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng phục vụ tiêu dùng. Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, câu kết từ khâu sản xuất đến phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó. Các hình thức gian lận thương mại phổ biến là: Quay vòng hóa đơn chứng từ, mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng nhập lậu; gian lận trong việc kê khai về giá trên hóa đơn bán hàng hoặc không xuất hóa đơn để giảm thuế giá trị gia tăng phải nộp; khai sai tên hàng, số lượng, chất lượng, nhãn hiệu, mục đích sử dụng, làm giả giấy chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu...

Đặc biệt, năm 2020, nổi lên hoạt động thương mại điện tử với các thủ đoạn gian lận tinh vi, như: Lập nhiều tài khoản Facebook để buôn bán kinh doanh, lợi dụng tính chất kinh doanh online không thể nhìn trực tiếp sản phẩm để lừa dối khách hàng...

Trước diễn biến phức tạp trên, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã bám sát tình hình, thường xuyên giám sát, kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời các vi phạm, hành vi gian lận, bảo đảm sự ổn định của thị trường. Năm 2020, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý trên 66.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 352,15 tỷ đồng, trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự 157 vụ.

Đề cập những nổi cộm trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, nhiều gian lận phát sinh trong thương mại điện tử như lừa đảo, không nhận được hàng hóa sau giao dịch, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, sai lệch với thông tin quảng cáo… Cũng theo ông Kiên, việc kiểm tra xử lý vi phạm đối với các gian lận trên thương mại điện tử cũng rất khó khăn, do các website không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng hoặc có nhiều địa chỉ; việc lập và xóa bỏ các tài khoản trên mạng để trốn tránh lực lượng chức năng rất dễ dàng…

Trước thực tế trên, lực lượng quản lý thị trường đã đổi mới phương thức, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Trong năm 2020, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra 5.771 vụ, xử lý 5.616 vụ. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là 133,5 tỷ đồng; trong đó xử phạt 49,3 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm là 84,2 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đề nghị lực lượng quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới để đấu tranh ngăn chặn.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đề nghị triển khai ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường trước diễn biến mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.