(HNM) - UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND (ngày 19-1-2023) thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Thực hiện kế hoạch trên, các cơ quan, đơn vị, các địa phương của thành phố đã vào cuộc, tăng cường chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội..., để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Gắn phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Để thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, từ Kế hoạch số 32/KH-UBND, Sở Công Thương Hà Nội tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tham nhũng. Sở cũng xác định thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là một trong các tiêu chí để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hằng năm. Gắn phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng văn hóa công sở, văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Văn Cương:
Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên
Từ yêu cầu của Kế hoạch số 32/KH-UBND, huyện Phú Xuyên tập trung chỉ đạo người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động, đặc biệt trong quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tài chính ngân sách, tổ chức cán bộ… Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng...
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long:
Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tham nhũng
Xác định rõ, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, những năm qua, quận Hoàn Kiếm tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Từ 9 nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Kế hoạch số 32/KH-UBND, quận tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với người có hành vi tham nhũng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng. Xử lý nghiêm hành vi, vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo đúng quy định, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Đảng viên Tạ Văn Thông, Chi bộ thôn Thuận Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng:
Nhiều quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã phát huy hiệu quả
Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã gắn với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm, miễn nhiệm, từ chức theo quy định của Đảng, Nhà nước, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cũng tiếp tục được đẩy mạnh, tạo hiệu quả rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hình thức xử lý kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm; về bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật; về chủ trương phân loại, xử lý tổ chức Đảng và đảng viên có sai phạm. Nhiều quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả ngay sau khi ban hành. Hy vọng, thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Bà Lê Thị Lan Hương, số nhà 61 phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa:
Phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua được sự quan tâm chỉ đạo Đảng, các cấp chính quyền nên đã nâng cao ý thức tự giác, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức. Đặc biệt, tại mỗi địa bàn cơ sở đã phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đơn, thư cũng được quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Văn bản chỉ đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được công khai trên trang thông tin điện tử theo quy định của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo điều kiện cho đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân nghiên cứu, thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.