Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tố cáo

Hà Phong| 04/06/2017 07:39

(HNM) - Ngày 16-6 tới, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Sau nhiều lần chỉnh sửa, hoàn thiện, cơ quan xây dựng luật khẳng định, cơ chế bảo vệ người tố cáo; chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo đã được đề cập cụ thể.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


Nhiều chế tài bảo vệ người tố cáo

“Giai đoạn vừa qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó, 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai” - Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) cho biết tại phiên họp Quốc hội sáng 29-5. Vì lý do này, dự án luật mới nhất chỉ quy định hai hình thức tố cáo (như quy định của Luật Tố cáo năm 2011): Tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp nhằm xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo.

Nhằm tránh hiện tượng càng đấu tranh càng thua thiệt và để khuyến khích người tố cáo, Ban soạn thảo đề xuất quy định, người tố cáo cũng như người thân đều được bảo vệ khi bị trù dập, đe dọa. Đồng thời, người tố cáo có thể đề nghị thay đổi biện pháp bảo vệ nếu có căn cứ cho rằng biện pháp bảo vệ đang áp dụng không bảo đảm an toàn. Ngoài ra, dự án luật quy định rất rõ về bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo trong quá trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo với nhiều giải pháp linh hoạt.

Cụ thể, khi tiếp nhận tố cáo, thụ lý, giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải nghiên cứu, xác định nội dung vụ việc, những thông tin nếu tiết lộ sẽ gây bất lợi cho người tố cáo để áp dụng biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật thông tin cho người tố cáo. Trường hợp cần thiết lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, đồng thời lưu trữ và quản lý thông tin về người tố cáo theo chế độ thông tin mật.

Nhưng còn chung chung

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã bổ sung trách nhiệm của các cơ quan giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, quy trình còn quá chung chung và chưa đầy đủ, chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo.

Còn theo đại biểu Nguyễn Chiến (Đoàn TP Hà Nội), thời gian qua, nhiều người dân thực hiện quyền tố cáo đã bị đe dọa, cản trở, thậm chí còn bị xem xét về tội vu khống nếu trong nội dung tố cáo có một vài điểm sai. Trong khi đó, pháp luật quy định có quá nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc bảo vệ người tố cáo, nhưng cơ chế phối hợp lại chưa thật cụ thể. Do vậy, các đại biểu Nguyễn Chiến và Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị phải bảo vệ người tố cáo một cách thật nghiêm túc. Bên cạnh đó, cần có hình thức tôn vinh nếu họ tố cáo đúng.

Về hình thức tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật”. Hơn nữa, nhiều bộ, ngành đã thiết lập đường dây nóng, hộp thư… để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo, qua đó kịp thời xử lý nhiều hành vi vi phạm. Vì vậy, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) đặt câu hỏi: Tại sao Thanh tra Chính phủ không thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử?

Theo đại biểu Ma Thị Thúy, ngành Giáo dục đang quyết liệt chống việc học thêm, dạy thêm, nhưng tình trạng dạy thêm vẫn phổ biến. Phụ huynh không dám tố cáo vì sợ con bị trù dập. Vậy thì những phản ánh rất thực tế này, nếu có giấu tên hoặc qua điện thoại cũng rất đáng phải xem xét, nghiên cứu.

Về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng việc bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, email, điện thoại là rất cần thiết vì đây là hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay, lại phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giao dịch điện tử.

Song đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An), Nguyễn Hồng Diên (Đoàn Thái Bình) lại có quan điểm khác. Đại biểu Nguyễn Hồng Diên nhận định, người tố cáo thì phải chịu trách nhiệm về nội dung mình đề cập. Nếu gửi đơn qua email thì máy chủ ở nước ngoài, qua tin nhắn thì sim rác rất nhiều. Cơ quan chức năng phải chạy theo sẽ không khác gì “đánh nhau với cối xay gió".

Như vậy, sửa Luật Tố cáo thế nào để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ với các luật khác có liên quan là vấn đề cần được Quốc hội phân tích kỹ lưỡng. Qua đó, khi luật được ban hành sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tố cáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.