(HNMO) - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến vừa ký ban hành Báo cáo số 286-BC/TU về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TƯ ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.
Sau 5 năm (2018-2022) thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TƯ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự tham mưu có hiệu quả của hệ thống tuyên giáo các cấp, chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử các địa phương, đơn vị được nâng cao. Đến nay, 100% quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn của Hà Nội đã sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng. Các ấn phẩm lịch sử đã xuất bản đều bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, phản ánh trung thực, khách quan quá trình xây dựng, phát triển và phong trào cách mạng của các địa phương.
Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương trong những năm qua được các cấp ủy Đảng xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Bằng nhiều hình thức sáng tạo, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương trong những năm qua là những hoạt động hết sức có ý nghĩa nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của quân dân Thủ đô. Công tác giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng được thực hiện sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, học sinh, quần chúng nhân dân, đã khơi dậy niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc, tăng thêm sự gắn bó với quê hương, đất nước, động viên được tinh thần hăng say lao động, sản xuất, học tập, góp phần xây dựng thành phố Hà Nội giàu đẹp, thanh lịch, văn minh.
Về nhiệm vụ thời gian tới, thành phố Hà Nội kế thừa và phát huy những thành tích, kinh nghiệm sau 5 thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TƯ, Kế hoạch số 104-KH/TU ngày 3-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng. Đồng thời, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chính trị - tư tưởng của các cấp ủy và các tổ chức Đảng.
Trong đó, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị của thành phố theo Chỉ thị số 20-CT/TƯ và Kế hoạch số 104-KH/TU. Xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu, biên soạn và xuất bản Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ thành phố và Văn kiện Đảng bộ thành phố; Đề án sưu tầm tư liệu phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, nhất là các đồng chí Bí thư Thành ủy qua các thời kỳ lịch sử; tham gia thực hiện Dự án “Nhà truyền thống Đảng bộ thành phố Hà Nội”. Đồng thời, xây dựng Đề án số hóa tư liệu lịch sử Đảng bộ địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương, với những hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng. Phấn đấu đến năm 2025, 100% quận, huyện, thị xã biên soạn tập bài giảng lịch sử địa phương dùng trong giảng dạy ở các trường học…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.