(HNM) - Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước hoàn thành việc xây dựng các đội xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã (đội xung kích). Nhờ có lực lượng này nên nhiều địa phương đã giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội xung kích đang là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.
100% xã, phường, thị trấn có đội xung kích
Nhớ lại cơn bão số 3 năm 2019 đổ vào khu vực thành phố Hà Nội, ông Đặng Trần Tuấn, đội viên Đội xung kích phòng, chống thiên tai phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) kể, đã cùng các đội viên trong đội đi kiểm tra, kịp thời tháo gỡ 5 tấm biển quảng cáo cỡ lớn bị nghiêng, thông báo và hỗ trợ 10 gia đình trên địa bàn gia cố tấm lợp mái nhà... "Nhờ chủ động các biện pháp phòng ngừa, bão số 3 đã không gây ra thiệt hại cho nhân dân trên địa bàn", ông Đặng Trần Tuấn nói. Ông cũng cho biết, các đội viên Đội xung kích luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Còn Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Văn Duân cho biết, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, xã đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai. Với 118 người, đội xung kích có trách nhiệm thực hiện phương án hỗ trợ 3.720 hộ dân trong vùng nguy hiểm đến tránh trú tại xã Cao Thắng (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) nếu có tình huống thiên tai khẩn cấp xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Tới ở thôn Phú Hiền (xã Hợp Thanh) nhớ lại: “Trận lũ rừng ngang xảy ra năm 2017, nhờ có đội xung kích của xã kịp thời hỗ trợ sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn nên 21 gia đình nằm trong vùng thấp trũng không bị thiệt hại lớn”.
Hiện nay, toàn bộ các xã, thị trấn của huyện Mỹ Đức đã xây dựng phương án và thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai, với tổng số 2.200 người, với nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của 10.219 hộ dân trong vùng có nguy cơ cao khi xảy ra tình huống úng ngập, sạt lở đất...
Còn theo ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai, với tổng số 64.948 người. Nhờ xây dựng đội xung kích, nhiều địa phương của Hà Nội đã giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra.
Rà soát cơ chế để nâng cao chất lượng
Mặc dù hoạt động rất hiệu quả trên thực tế, nhưng hiện tại lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cũng đang gặp một số khó khăn, bất cập. Theo ông Đặng Như Quyến, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông): “Khó khăn lớn nhất trong xây dựng, củng cố Đội xung kích phòng, chống thiên tai của phường hiện nay là lực lượng trẻ, có sức khỏe thường xuyên đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của một số đội viên còn chưa đồng đều; chưa được trang bị công cụ, bảo hộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...”. Còn ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) nêu thực tế: "Làm việc trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm nhưng chế độ bồi dưỡng cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã hiện nay còn quá thấp".
Ghi nhận những ý kiến trên, ông Trần Thanh Mẫn khẳng định: "Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã là lực lượng gắn bó với nhân dân, nắm vững những tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn. Duy trì, phát triển lực lượng này chính là cách giúp địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…”.
Về vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, ngày 10-4-2020, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, đôn đốc các xã, phường, thị trấn xây dựng và củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai; đồng thời, bố trí kinh phí, chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự quận, huyện, thị xã, cơ quan liên quan tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội xung kích...
“Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố sẽ rà soát các cơ chế, chính sách để tham mưu, đề xuất UBND thành phố tăng cường kinh phí trang bị dụng cụ, bảo hộ lao động và chế độ bồi dưỡng cho lực lượng xung kích tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở cấp xã…”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.