Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng đời sống tinh thần

Miên Hạo| 04/06/2017 07:09

(HNM) - Với mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần cho người dân Thủ đô, hệ thống thiết chế văn hóa đã và đang phủ khắp từ thành phố tới cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động này còn đơn điệu, thiếu sáng tạo...

Thư viện sách Nhà văn hóa thôn Bình Vọng, xã Văn Bình (huyện Thường Tín) luôn có đông người tới đọc.Ảnh: Thái Hiền


Những mô hình cần nhân rộng

Dù Dự án thí điểm mô hình tổ chức hoạt động mới, do Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa thực hiện, đã kết thúc từ nhiều tháng nay, song người dân thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh vẫn còn nguyên cảm giác phấn chấn trước “làn gió” mới. Là địa phương có cơ sở vật chất phục vụ đời sống tinh thần khá đầy đủ, nhưng chỉ khi được các chuyên gia văn hóa tư vấn, hỗ trợ xây dựng các hoạt động phù hợp với đặc thù và nhu cầu của người dân thì nhiều mô hình văn hóa tại thôn đã ra đời, thu hút hàng trăm hội viên tham gia, như: CLB Di sản và ký ức; CLB Mỹ thuật hội họa, làm hoa; CLB Văn nghệ dân gian; CLB Khiêu vũ…, phát huy hiệu quả rõ nét. Trưởng thôn Đoài, ông Nguyễn Văn Để, cho hay: Chưa bao giờ người dân địa phương tham gia các hoạt động văn hóa tích cực, sôi nổi như những ngày qua. Nhà văn hóa được sử dụng hết công suất, người già, trẻ em hoan hỉ với những điều mới được tiếp cận, bất ngờ với tiềm năng mới được khai phá của mình và cả những người xung quanh.

Chưa được tiếp cận với Dự án tổ chức hoạt động mới như thôn Đoài, song nhiều địa phương thuộc quận Long Biên cũng đã chủ động xây dựng, triển khai đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động nhà văn hóa, trung tâm VHTT xã, phường, tổ dân phố” nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới hình thức hoạt động văn hóa của nhân dân, trong đó phường Sài Đồng là một điển hình. Song song với khuyến khích xã hội hóa xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa, phường Sài Đồng triển khai mô hình hoạt động nhà văn hóa mới, lấy người dân là trung tâm phục vụ. Từ sự tư vấn, gợi mở của các chuyên viên văn hóa phường, các tổ dân phố đã tích cực sáng tạo những hoạt động văn hóa phù hợp với từng độ tuổi.

Nhiều mô hình văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn đã ra đời, như: CLB dạy đàn, hát; CLB bóng chuyền, cầu lông, dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu, yoga… Lồng ghép với các hoạt động này là một loạt các chương trình tuyên truyền, nâng cao kiến thức văn hóa, xã hội, làm giàu tri thức như: Kỹ năng bảo vệ môi trường, nhận biết thực phẩm an toàn, kiến thức phòng bệnh ở người già, trẻ nhỏ…

Cùng với Đông Anh, Long Biên, các huyện: Đan Phượng, Thanh Trì… cũng đã xây dựng quy chế riêng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà văn hóa trên địa bàn, khuyến khích các cơ sở huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, tích cực đổi mới các hoạt động văn hóa ở địa phương.

Ông Nguyễn Thành Tuyên, Phó phòng Nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở VH-TT Hà Nội khẳng định: Thực tế đã chứng minh, nhiều giá trị văn hóa quý như: Tuồng Dương Cốc, hát Dô, chèo Tàu, hò Cửa đình… được gìn giữ, nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ từ chính những nhà văn hóa, trung tâm văn hóa thôn, làng, chứ không phải tại những nhà hát hay sân khấu lớn.

Giải pháp nâng cao chất lượng tổng thể

Toàn thành phố hiện có hơn 1,4 nghìn tổ dân phố; 2 nghìn thôn, làng có nhà văn hóa, trung tâm văn hóa trên tổng số 7,9 nghìn thôn, làng, tổ dân phố. Tuy nhiên, những mô hình hoạt động thực sự hiệu quả như kể trên rất ít. Đặc biệt, có tới 34% nhà văn hóa (thuộc nhóm thiết chế văn hóa ở các tổ dân phố) chỉ hoạt động mỗi tháng một lần; 80% nhà văn hóa không đạt các quy chuẩn do Bộ VH-TT&DL ban hành; nhiều địa phương phải dùng chung nhà văn hóa, trung tâm văn hóa...

Trước thực tế này, UBND TP Hà Nội đang tích cực chỉ đạo các ban, ngành liên quan xây dựng các đề án: “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở”; “Quy chế quản lý, hoạt động của nhà văn hóa - thể thao thôn và tương đương trên địa bàn” trong đó, lần đầu tiên hai vấn đề được nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng là nhân lực và nội dung hoạt động. Cùng với đó, trên những kết quả đạt được, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi áp dụng đề án “Nghiên cứu, khảo sát thực hiện mô hình tổ chức hoạt động mới cho nhà văn hóa thôn”, từng bước đổi mới hoạt động cho nhà văn hóa cơ sở trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Lợi, cho hay: Trong tương lai gần, các nhà văn hóa cơ sở sẽ có chủ nhiệm riêng, có chế độ bồi dưỡng phù hợp. Các địa phương cần tận dụng nguồn nhân lực là sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm hoặc cán bộ hưu trí có trình độ, kinh nghiệm, đồng thời chú trọng các giải pháp thu hút hoạt động của thanh niên tình nguyện… từ đó nhân rộng, sáng tạo các mô hình bổ ích, làm phong phú đời sống cư dân.

Thành phố cũng triển khai nhiều giải pháp để nâng cao số lượng nhà văn hóa đạt chuẩn, xóa tình trạng “trắng” nhà văn hóa ở nhiều địa phương, hướng tới những mô hình đa năng, có chức năng hoạt động khác nhau, phục vụ sở thích, nhu cầu hoạt động khác nhau của từng CLB.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng đời sống tinh thần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.