(HNM) - Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, người thầy luôn có vị trí quan trọng trong việc đào tạo ra những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
TP Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020 tất cả giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên.Ảnh: Bá Hoạt |
Vững vàng về chuyên môn
Mặc dù có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, với gần 2.700 trường học, gần 2 triệu học sinh, nhưng nhiều năm qua, TP Hà Nội luôn giữ vững vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững; chất lượng giáo dục mũi nhọn ở các cấp học có chiều hướng tiến bộ rõ nét. Nhiều học sinh của Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng, giao là đại diện cho học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế và giành kết quả xuất sắc. Điển hình có thể kể đến là kỳ thi Olympic toán học và khoa học trẻ quốc tế cấp tiểu học và trung học cơ sở; Olympic vật lý và thiên văn học...
Bên cạnh sự nỗ lực của học sinh, không thể không kể tới sự đóng góp miệt mài, bền bỉ và thầm lặng của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người luôn sát cánh, giúp các em hăng say với việc học. Theo Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngành Giáo dục Thủ đô luôn xác định việc đầu tư cho đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi đây là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Những năm qua, đội ngũ nhà giáo của Thủ đô đã không ngừng hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Toàn ngành hiện có hơn 100.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, thì 100% số giáo viên đứng lớp ở các cấp học đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn cao so với mặt bằng chung của cả nước; trong đó cấp tiểu học có tới 94% số giáo viên có trình độ trên chuẩn, cấp trung học cơ sở 80%, cấp mầm non 64%...
Bước chuyển mạnh mẽ nhất trong 5 năm qua là sự hoàn thiện về chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên mầm non. 5 năm trước, TP Hà Nội mới có 37% số giáo viên mầm non có trình độ đào tạo đạt chuẩn, đến nay, tỷ lệ này đã đạt con số tuyệt đối. Đây là minh chứng cho sự quan tâm thiết thực của TP Hà Nội đối với cấp học đầu đời của trẻ, làm nền tảng cho các bậc học sau.
Chặng đường mới, trọng trách lớn
Giờ học vẽ của cô và trò Trường Mầm non Hoa Hồng (quận Cầu Giấy). Ảnh: Bá Hoạt |
Năm học 2018-2019 là năm thứ sáu toàn ngành Giáo dục - Đào tạo triển khai Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, cũng là năm bản lề để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Với mục tiêu giữ vững vị thế dẫn đầu trong công cuộc đổi mới, việc đầu tư cho đội ngũ nhà giáo - nhân tố chủ lực trực tiếp “thi công” những nội dung đổi mới được ngành Giáo dục Thủ đô xác định vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp trọng tâm. Vì vậy, năm nay, TP Hà Nội đã dành hơn 27 tỷ đồng để chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2015.
2018 cũng là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện Quyết định số 2315/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức thành phố giai đoạn 2016-2020. Để thực hiện tốt chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Hà Nội không chỉ tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán như mọi năm, mà thực hiện việc này cho 100% số giáo viên. “Trong quá trình bồi dưỡng, các nhà giáo được chú trọng nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử và yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật. Cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn, đây là giải pháp của ngành Giáo dục Thủ đô nhằm chấn chỉnh những sai phạm như đã từng xảy ra, từ đó xây dựng một đội ngũ nhà giáo vừa có tài, vừa có đức”, ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) chia sẻ.
Ngoài việc chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, ngành Giáo dục Thủ đô còn tạo “sân chơi” để khích lệ đội ngũ giáo viên phát huy khả năng sáng tạo, tạo sự hấp dẫn, mới mẻ trong mỗi giờ học đối với học sinh, đồng thời góp phần hoàn thiện phẩm chất nhà giáo. Hà Nội từng là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào đã làm nên thương hiệu như “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh nghèo”, “Cô giáo - người mẹ hiền”, “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”… và mới đây nhất là giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, làm lan tỏa mạnh mẽ trong đội ngũ toàn ngành. Họ chính là những nhân tố truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh say mê học tập bằng những dự án, sản phẩm vừa mang tính khoa học, vừa có tính ứng dụng cao, góp thêm vào kho học liệu của ngành những kinh nghiệm quý trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh. Đây cũng là giải pháp căn cơ để giải quyết những mặt còn tồn tại về năng lực, đạo đức nhà giáo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giữ vững vị thế dẫn đầu về giáo dục và đào tạo của TP Hà Nội như chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ của TP Hà Nội vừa được tổ chức mới đây.
Chặng đường mới đang đặt ra những trọng trách không nhỏ đối với những người làm nghề giáo trong việc đảm nhận sứ mệnh cao cả: “Trồng người”.
TP Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020 tất cả giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đều có trình độ từ cao đẳng và đại học trở lên; 30% số giáo viên trung học phổ thông có trình độ thạc sĩ trở lên; 100% số cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu chuẩn chức danh nghề nghiệp. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.