Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng dân số, giống nòi

Thu Trang| 10/07/2022 06:23

(HNM) - Chủ đề của Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) chọn là: “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người cần khai thác cơ hội và bảo đảm quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người”. Dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Tạ Quang Huy về những kết quả đạt được trong việc nâng cao chất lượng dân số, giống nòi, cũng như những khó khăn, thách thức mà ngành Dân số Thủ đô đang phải đối mặt.

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy.

Khó khăn lớn nhất là hạ thấp tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh

- Xin ông cho biết, ý nghĩa của chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay đối với công tác dân số nước ta nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng?

- Vấn đề dân số thế giới đang là mối quan tâm của mọi người, mọi gia đình và mọi quốc gia. Chính vì thế, mỗi năm có một chủ đề. Năm nay, dự báo dân số thế giới là 8 tỷ người nên chủ đề được lựa chọn là: “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người cần khai thác cơ hội và bảo đảm quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người”, nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách trên toàn cầu hãy tạo điều kiện cho tất cả mọi người nắm bắt được cơ hội, bảo đảm quyền và sự lựa chọn đúng đắn để mỗi chúng ta sẽ có tương lai bền vững lâu dài, từng bước nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi.

Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, thanh niên, vị thành niên, nam giới, người cao tuổi… về các mục tiêu, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, mất cân bằng giới tính khi sinh, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi…

- Ông có thể giới thiệu tổng quan về bức tranh hiện tại của dân số Thủ đô và những kết quả mà ngành Dân số Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua?

- Thành phố Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở mức dưới 2,1 con. Hầu hết hệ thống y tế cơ sở đã cung cấp đầy đủ dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Vì thế, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại duy trì ở mức 76% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Riêng số sinh trong 6 tháng đầu năm 2022 là 42.868 trẻ, giảm 1.978 trẻ so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, số trẻ là con thứ 3 trở lên là 3.086 (đạt tỷ lệ 7,2%), giảm 321 trẻ (giảm 0,4% trẻ so với cùng kỳ năm 2021). Ngoài ra, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 84,24% (tăng 0,31% so với cùng kỳ năm 2021); sàng lọc sơ sinh là 89,17% (tăng 1,02% so với cùng kỳ năm 2021).

Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có giảm, nhưng chưa bền vững, thậm chí ở một số huyện còn cao; mật độ dân số phân bố không đồng đều, chất lượng dân số vẫn còn nhiều hạn chế. Trẻ sinh ra bị mắc các bệnh do di truyền hoặc rối loạn chuyển hóa, trẻ béo phì có nguy cơ ngày càng tăng...

- Khó khăn, thách thức lớn nhất mà ngành Dân số Thủ đô đang phải đối mặt là gì, thưa ông?

- Hà Nội là thành phố đông dân thứ hai của cả nước và cũng có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố. Quy mô dân số đông, địa bàn rộng, có sự chênh lệch khá lớn tình hình thực hiện các chỉ tiêu công tác dân số giữa 12 quận và 18 huyện, thị xã. Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao (6 tháng đầu năm 2022 là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái), trong đó có một số huyện ở mức rất cao trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái, như: Quốc Oai, Thanh Oai, Thường Tín. Chính vì vậy, khó khăn lớn nhất của công tác dân số chính là hạ thấp tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh.

Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển

- Có ý kiến băn khoăn, từ khi Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành, khiến chính sách dân số được nới lỏng, nghĩa là các cặp vợ chồng có thể sinh con thoải mái, thưa ông?

- Nhận thức này chưa hoàn toàn đúng đắn. Quan điểm của thành phố Hà Nội là vẫn thực hiện phương châm, mỗi cặp vợ chồng nên có hai con. Nghị quyết số 21-NQ/TƯ nêu rõ, chuyển trọng tâm chính sách từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ, Chính phủ đã ban hành các chương trình hành động về dân số, chia các tỉnh, thành phố thành 3 nhóm. Đối với các tỉnh, thành phố có mức sinh cao, tiếp tục thực hiện giảm sinh. Đối với các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân 1,5-1,6 con/phụ nữ), phải tăng sinh và nâng chỉ số con bình quân của phụ nữ. Đối với các tỉnh, thành phố đạt được mức sinh thay thế (bình quân 2,1 con/phụ nữ), tiếp tục duy trì mức sinh thay thế. Hà Nội thuộc nhóm duy trì mức sinh thay thế. Do vậy, trong chỉ tiêu kế hoạch, từ năm 2022, thành phố không giao chỉ tiêu giảm tỷ suất sinh thô, mà chỉ giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 để duy trì mức sinh thay thế.

- Để duy trì những kết quả công tác dân số đạt được trong thời gian qua và thực hiện thành công Nghị quyết số 21-NQ/TƯ, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?

- Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển. Vấn đề dân số không phải là vấn đề mà ta có thể nhìn thấy được ngay như các vấn đề điều trị bệnh trong y tế, vấn đề môi trường... Vấn đề dân số không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được, đó là vấn đề của 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm sau hoặc lâu hơn thế nữa. Để nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, ngành Dân số Thủ đô tiếp tục quán triệt và phổ biến nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TƯ đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch của thành phố về công tác dân số, như: Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai; đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Đặc biệt, từng bước nâng cao chất lượng dân số, đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên, phân bố dân số hợp lý, góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng dân số, giống nòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.