Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng, bảo đảm tính khả thi

Hiền Chi| 28/06/2011 06:57

(HNM) - Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) không phù hợp đã xảy ra khá nhiều trong thời gian qua, gây phiền hà, lãng phí. Vì thế, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC) đang nỗ lực triển khai những việc cần thiết nhằm thực hiện tốt Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 8-6-2010 của Chính phủ về KSTTHC.

Trong đó, việc đánh giá tác động (ĐGTĐ) TTHC được đặc biệt coi trọng và bước đầu đã cho thấy hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng các quy định về TTHC và bảo đảm tính khả thi trong thực tế.

Cần đánh giá tác động


"Thực tế, có nhiều vấn đề bất cập trong các quy định TTHC đã được nêu đi nêu lại từ năm này sang năm khác mà không giải quyết được triệt để. Nguyên nhân là do chưa có công cụ lượng hóa nên khó có sự điều chỉnh cần thiết" - ông Nguyễn Việt Anh, chuyên gia của Cục KSTTHC đã khẳng định như vậy khi nói về vai trò của việc ĐGTĐ. Hậu quả của việc tồn tại những văn bản bất hợp lý là tạo ra nền hành chính xin - cho, tính khả thi thấp, tốn kém và không đạt được các mục tiêu đề ra. Để khắc phục điều này, Cục KSTTHC đã xây dựng bộ công cụ ĐGTĐ gồm: 3 biểu mẫu đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý và tính hợp pháp của các quy định về TTHC và việc tính toán chi phí tuân thủ TTHC. Theo đó, trước khi ban hành văn bản, đơn vị phải trả lời tới 50 câu hỏi ở các biểu mẫu. Theo Cục trưởng Cục KSTTHC Ngô Hải Phan, để trả lời được 50 câu đó, đòi hỏi cơ quan ban hành phải thực sự hiểu vấn đề, phải đọc nhiều văn bản liên quan, am hiểu kiến thức cuộc sống và có trình độ. Bộ công cụ này đã được các chuyên gia của Cục KSTTHC "thử nghiệm" với dự thảo Thông tư liên tịch giữa 2 bộ Tài chính - GD&ĐT về Hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Tại thông tư liên tịch này, trong mục chi, hỗ trợ bữa ăn trưa cho các em, hai bộ đã đề xuất đề nghị cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ em nộp hồ sơ, kèm với các giấy tờ, bản sao, công chứng tại các cơ sở giáo dục mầm non, trên cơ sở đó mới xét duyệt.

Theo ông Nguyễn Việt Anh, quy định như vậy là theo hướng xin - cho, lại nặng về điều kiện kiểm soát chặt chẽ việc chứng minh đủ điều kiện để hỗ trợ mà tính khả thi thấp do chưa tính tới yếu tố đặc thù vùng, miền. Việc yêu cầu các cha, mẹ tự nguyện nộp đơn, kê khai, rồi công chứng các thủ tục, giấy tờ là điều… không tưởng. Bởi, tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, các cơ sở giáo dục thường phải đến vận động người dân cho con em đi học chứ khó có chuyện người dân tự nguyện làm đơn. Hơn nữa, với điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, nhiều UBND xã không có máy phô tô, nếu phải vượt đèo, lội suối để lên trên huyện làm cho đủ thủ tục yêu cầu thì chắc chắn bà con sẽ không đủ kiên trì để thực hiện. Đồng thời, theo tính toán chi phí tuân thủ, nếu thực hiện các TTHC theo dự thảo nêu trên thì tổng chi phí hằng năm mà các cá nhân, tổ chức phải chi trả là gần 2 tỷ đồng; còn nếu thực hiện trên cơ sở đã ĐGTĐ thì chỉ mất hơn 116 triệu đồng (giảm được hơn 90% chi phí tuân thủ TTHC).

Chung tay thực hiện


Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục KSTTHC, ĐGTĐ đối với các quy định về TTHC trong các dự thảo VBQPPL là một điểm mới trong quy trình ban hành VBQPPL, xây dựng chính sách tại Việt Nam với mục tiêu nâng cao chất lượng các quy định về TTHC, cắt giảm tối đa gánh nặng trong việc thực hiện TTHC cho các cá nhân, tổ chức nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước. Theo quy định, các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL có quy định về TTHC phải tiến hành ĐGTĐ đối với các quy định về TTHC có trong dự thảo; đồng thời phải tiến hành lấy ý kiến của Cục KSTTHC đối với TTHC quy định trong dự án VBQPPL do Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban TVQH, dự thảo VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Thông tư liên tịch của các bộ, cơ quan ngang bộ; lấy ý kiến của đơn vị kiểm soát TTHC (trực thuộc Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, UBND) đối với TTHC quy định trong dự thảo VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Biểu mẫu thực hiện ĐGTĐ áp dụng thống nhất trong cả nước đã được đăng tải công khai trên website: thutuchanhchinh.vn. Đồng thời, Cục KSTTHC đã và đang tiếp tục tập huấn trực tiếp cho cán bộ các bộ, ngành, địa phương. Song, để đạt được hiệu quả cao nhất, Cục KSTTHC khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức sử dụng các biểu mẫu ĐGTĐ này để cho ý kiến đối với các dự thảo quy định về TTHC nhằm đưa ra các ý kiến có chất lượng, nâng cao tính hiệu quả của việc cho ý kiến nhằm giảm gánh nặng thực hiện TTHC cho các đối tượng tuân thủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng, bảo đảm tính khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.