Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao cảnh giác, chủ động đối phó dịch bệnh Ebola

Thu Trang| 21/10/2014 05:59

(HNM) - Trước diễn biến tình hình dịch bệnh Ebola ngày càng phức tạp, ngày 20-10, Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến tại hai điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm nâng cao khả năng đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.

Tại đây, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, ngay cả những nước có nền y tế hiện đại như Mỹ và Tây Ban Nha cũng xảy ra tình trạng lây nhiễm. Điều quan trọng cần làm là phải có quy trình rõ ràng, xử lý tốt việc cách ly, điều trị, chống nhiễm khuẩn, sử dụng phương tiện phòng hộ… bảo đảm an toàn.

Tại sân bay quốc tế Nội Bài, trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, mọi hành khách đều phải qua phòng y tế kiểm tra thân nhiệt. Ảnh: Hải Lý


Theo báo cáo của WHO, từ tháng 9 tới nay, số người mắc và tử vong do Ebola tiếp tục tăng cao. Tính đến ngày 18-10, thế giới đã ghi nhận hơn 9.200 trường hợp mắc Ebola, trong đó có hơn 4.600 trường hợp tử vong. WHO dự báo số người tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này có thể tăng lên 10.000 người nếu không có các biện pháp kiểm soát triệt để. Điều đáng nói là trong tổng số ca mắc Ebola cũng đã ghi nhận 431 trường hợp là cán bộ y tế, trong đó có 247 trường hợp tử vong. Hai quốc gia ngoài Châu Phi là Mỹ và Tây Ban Nha có trường hợp nhiễm bệnh đều là nhân viên y tế từng tham gia chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Ebola. Cụ thể, Mỹ có 3 trường hợp mắc và Tây Ban Nha ghi nhận 1 trường hợp.

Trước tình hình trên, đại diện Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho rằng, ngoài việc giám sát chặt chẽ các ca mắc bệnh xâm nhập từ cửa khẩu thì việc tập huấn xử lý tình huống khi có bệnh nhân Ebola cho các nhân viên y tế là điều vô cùng quan trọng. Sắp tới, Việt Nam sẽ tổ chức diễn tập ứng phó với Ebola tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương; BV trung ương Huế và BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. "Việc tập huấn cần đưa ra những tình huống cụ thể để thử thách khả năng ứng phó với ca bệnh của các BV trên thực tế. Mặt khác, các BV cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề chống nhiễm khuẩn, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của nhân viên y tế. Bởi vì chỉ cần một thao tác không đúng với quy trình chuyên môn kỹ thuật thì mức độ lây lan của dịch bệnh không thể lường trước được", đại diện CDC nhấn mạnh.

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đã thành lập 5 đội phản ứng nhanh với dịch Ebola và 2 đường dây nóng tư vấn về các biện pháp phòng, chống Ebola, đồng thời tổ chức giám sát 24/24h tại cửa khẩu sân bay Nội Bài. Thời gian tới, tại mỗi quận, huyện cũng sẽ thành lập một đội phản ứng nhanh, đáp ứng công tác phòng, chống dịch Ebola. Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế. Hiện ngành y tế Thủ đô đã chuẩn bị 20 tấn Cloramin B để khử khuẩn, 400 bộ quần áo bảo hộ phòng dịch, tới đây sẽ tăng cường thêm 400 bộ. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đức Hạnh, khó khăn hiện nay trong việc phòng, chống dịch Ebola xâm nhập đó chính là địa chỉ lưu trú của các hành khách từ vùng dịch về Việt Nam không ổn định, khiến việc giám sát tại cộng đồng gặp khó khăn. Mặt khác, trong các BV tham gia tiếp nhận, thu dung bệnh nhân cần phải có quy trình xử lý ca bệnh cụ thể hơn. Thậm chí, kể cả những phương pháp xét nghiệm cơ bản đơn giản như thử máu thì lấy máu như thế nào để tránh lây nhiễm.

Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương Nguyễn Trần Hiển cho biết, Viện đang biên soạn quy trình chẩn đoán Ebola để sẵn sàng ứng phó với mẫu bệnh phẩm nghi ngờ Ebola, tránh lây nhiễm trong cơ sở y tế và cộng đồng. Hiện Viện đã chuẩn bị 200 test chẩn đoán Ebola do Nhật Bản hỗ trợ. Ngoài ra, nước ta cũng đã có 4 phòng xét nghiệm đáp ứng đầy đủ điều kiện chẩn đoán Ebola.

Chuyên gia về các dịch bệnh truyền nhiễm của WHO tại Việt Nam Masayo Kato đánh giá cao sự chuẩn bị sẵn sàng đối phó với dịch Ebola của nước ta. Cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện các triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola. Chuyên gia Masayo Kato cũng thông báo, theo các nghiên cứu mới đây, virus Ebola chưa có biến đổi gen và độc lực cũng như chưa có bằng chứng về việc virus này lây truyền qua không khí. Thời gian tới, WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Hiện dịch bệnh Ebola được thế giới đánh giá là khẩn cấp và nghiêm trọng. Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, dù WHO đưa ra khuyến cáo Ebola không lây qua đường không khí nhưng trước tỷ lệ mắc và tử vong của dịch bệnh rất cao, thậm chí ngay cả quốc gia có nền y tế hiện đại như Mỹ cũng có ca bệnh thì việc lây nhiễm dịch bệnh này vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Chính vì vậy, Thứ trưởng đề nghị ngành y tế và các bộ, ngành liên quan nâng cao mức độ cảnh giác hơn nữa đối với dịch bệnh Ebola, đồng thời cập nhật, bổ sung các khuyến cáo của WHO sao cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và địa phương. Mặt khác, tất cả đơn vị y tế rà soát cẩn trọng và chi tiết các hoạt động chuyên môn, trang thiết bị, nhất là phải lưu ý đến quy trình phòng hộ, chống nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế, xử lý chất thải của bệnh nhân, mẫu bệnh phẩm, vệ sinh buồng bệnh...

Để nâng cao mức độ ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này, Bộ Y tế quyết định thành lập 4 đội phản ứng nhanh về phòng, chống Ebola ở cấp quốc gia tại 4 khu vực, gồm: Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các quận, huyện cũng sẽ thành lập đội phản ứng nhanh trên cơ sở kiện toàn lại đội phòng, chống dịch bệnh đã có tại địa phương để tăng cường khả năng ứng phó.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao cảnh giác, chủ động đối phó dịch bệnh Ebola

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.