(HNM) - Mấy ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp quota nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp (DN), giá vàng đã ổn định và
Khách mua bán vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Như Ý |
Tâm lý đám đông?
Nếu ngày 11-11-2009 được coi là "ngày đen tối" của giá vàng thì ngày 9-11-2010 cũng là một ngày không dễ quên với giới đầu tư. Lịch sử đã lặp lại với cảnh "rồng rắn" xếp hàng chờ mua vàng, khiến thị trường vàng gần như rơi vào cảnh "nhiễu loạn". Tại những cửa hàng vàng lớn ở Hà Nội, như Bảo Tín Minh Châu, PNJ (Trần Nhân Tông) đông nghịt khách suốt từ sáng đến chiều. Có những thời điểm các cửa hàng này ngừng bán ra vì không đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu. Một chủ cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông cho biết, mấy ngày gần đây, nhu cầu mua vàng quá lớn, cửa hàng hết hàng nên phải lấy vàng ở các địa phương khác về bán vì nhu cầu mua vẫn cao.
Việc người dân mua vàng quá đông là cái cớ để DN tăng giá vàng liên tục. Chỉ trong vài giờ, vàng đã "nhảy" từ dưới 37 triệu đồng/lượng lên ngưỡng hơn 38 triệu đồng/lượng. Điều này chứng tỏ tâm lý đám đông trong đầu tư vàng vẫn tồn tại, nên chỉ cần nghe có tin đồn là người ta "đổ xô" mua vàng, bất chấp những thông tin kinh tế khả quan và cả việc giá vàng trong nước quá đắt so với thế giới... Nhiều chuyên gia nhận định, giá vàng trong nước tăng nhanh, chênh quá cao so với giá thế giới do sự tác động nhiều chiều của các luồng thông tin và tâm lý của người dân. Lo ngại lạm phát cao, người dân tìm đến vàng như một "hầm trú ẩn" an toàn cho dòng tiền, dẫn đến có thời điểm, giá vàng trong nước cao hơn thế giới tới hơn 2 triệu đồng/lượng nếu tính theo giá USD của thị trường tự do, còn nếu tính theo giá niêm yết ở ngân hàng thương mại, con số này còn vượt xa rất nhiều.
Có sự thao túng của giới đầu cơ?
Cũng theo các chuyên gia, "cơn sốt" giá vàng trên thị trường gần đây ngoài yếu tố chịu tác động bởi giá thế giới, tâm lý kỳ vọng giá còn lên cao của nhà đầu tư, thì còn yếu tố nữa là sự thao túng của giới đầu cơ. Thậm chí, NHNN cũng cho rằng, không loại trừ khả năng các đối tượng đầu cơ muốn đẩy giá lên cao để tạo sức ép với cơ quan quản lý. Để bình ổn thị trường sau khi giá vàng tăng lên 38,2 triệu đồng/lượng trưa ngày 9-11, NHNN đã chấp nhận cấp phép cho các DN nhẩp khẩu vàng. Đây là lần thứ ba trong năm NHNN cấp quota nhập khẩu vàng cho DN. Ngay sau khi NHNN can thiệp, thị trường đã giảm nhiệt và ổn định hơn, song nhu cầu về vàng của người dân vẫn lớn. Tại thời điểm 15h ngày 10-11, trên thị trường Hà Nội, vàng SJC được niêm yết phổ biến ở mức 36,2 triệu đồng/lượng (mua vào) -36,5 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 1,7 triệu đồng/lượng so với thời kỳ "đỉnh" của giá vàng ngày 9-11. Giá thế giới cũng "rớt" từ 1.414 USD/ounce xuống 1.399 USD/ounce (15h theo giờ Việt Nam ngày 10-11).
Nhiều chuyên gia phân tích, vẫn còn những yếu tố khiến giá vàng tăng, bởi giá vàng hiện nay còn chịu ảnh hưởng của tỷ giá. Nếu tỷ giá tiếp tục "leo thang", giá vàng sẽ tăng. Trong khi đó, có ý kiến khác cho rằng, giá vàng trong nước còn bị tác động từ thông tư siết chặt hoạt động kinh doanh vàng mới được NHNN ban hành. Thông tin 1.000 tấn vàng tồn trong dân khiến cho việc thực hiện yêu cầu của NHNN là thu hẹp huy động và cho vay vàng bị tác dụng ngược. Vàng đang bị rút dần ra khỏi lưu thông sau quyết định "thắt chặt" huy động và cho vay vàng của các ngân hàng. Sau quyết định này, một lượng vàng lớn trong dân không được huy động về ngân hàng để lưu thông và hệ lụy là vàng có thể khan hiếm dẫn đến tăng giá. Trong khi chờ con số chính thức về lượng vàng còn "găm" trong dân, thì con số 1.000 tấn vàng từ Hội đồng Vàng thế giới mà Ủy ban Tài chính quốc gia công bố gần đây vẫn tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân.
Không phải không có lý khi nhiều người cho rằng thị trường vàng trong nước đang diễn biến theo "niềm tin". Tức là khi "niềm tin" được củng cố, người ta sẽ bình tĩnh hơn trước những tin đồn về vàng và sẽ phân tích kỹ càng hơn để có những so sánh giữa giá trong nước và thế giới trước khi quyết định mua, bán. Song ngược lại, nếu "niềm tin" lung lay, thị trường sẽ rơi vào cảnh "nhiễu loạn" và người ta lại "rồng rắn" xếp hàng mua vàng, để rồi chấp nhận rủi ro khi giá vàng giảm vài triệu đồng chỉ trong mấy tiếng đồng hồ. Nhìn vào diễn biến thị trường vàng thời gian gần đây, có thể thấy không nên can thiệp vào thị trường vàng theo kiểu thời điểm, hoặc bằng các văn bản mệnh lệnh hành chính. Để giá vàng vận hành ổn định cần phải có thông tin đầy đủ, minh bạch và quyết liệt trong điều hành chính sách. Đây cũng là một trong những biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.