(HNM) - Trên cả nước thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Sự thể như giọt nước tràn ly xảy ra vào tháng 3-2014 với vụ án người cha ở Bắc Ninh dùng điếu cày đánh con 8 tuổi đến tử vong.
Điều đáng nói là những vụ bạo hành trẻ em xảy ra liên tiếp và cơ quan chức năng thường là người biết cuối cùng. Do đâu và vì sao lại dẫn đến những sự việc đau lòng như kể trên, cuộc trò chuyện của phóng viên Báo Hànộimới với TS Lê Văn Hảo, Viện Tâm lý học sẽ góp phần làm sáng tỏ điều này.
- Trong các vụ nêu trên, có phải chính quyền, đoàn thể ở địa phương bàng quan với những gì lệch chuẩn ở bên ngoài hay ngại ngần, né tránh, thưa tiến sĩ?
- Công bằng mà nói, trong những năm gần đây tôi thấy nhiều người còn bàng quan với những gì xảy ra quanh mình. Nhưng cũng có nhiều người quan tâm và có hành động thiết thực để giúp mọi việc thay đổi theo hướng tích cực hơn. Vấn đề lớn nhất nằm ở quan niệm sai của một số người, coi trừng phạt thể chất và tinh thần như một cách thực hành giáo dục con trẻ là khá phổ biến. Tâm lý, quan niệm ấy đã tồn tại quá lâu, trở thành một phần của văn hóa giáo dục hay văn hóa làm cha mẹ. Câu đúc kết của ông bà chúng ta “yêu cho roi vọt” phải được hiểu theo nghĩa bóng (thương con là phải nghiêm khắc, không nuông chiều, tùy tiện) chứ không thể hiểu và áp dụng theo nghĩa đen. Bạo hành nhất định không thể là phương pháp giáo dục tích cực khi trẻ mắc lỗi bởi nó có thể gây tổn hại rất lớn về thể chất và tinh thần đối với trẻ, có thể gây tử vong trong nhiều trường hợp. Tất nhiên, sự ngần ngại, né tránh của hàng xóm hay những người có chức năng bảo vệ trẻ em cũng khiến tình trạng bạo hành có cơ sở để tồn tại.
- Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng vô cảm này, thưa ông?
- Hiện tượng e ngại hay thờ ơ là một thực tế. Một phần nó xuất phát từ quan niệm sai, như đã nói ở trên là “yêu cho roi vọt” và người ta lấy lý do này để biện minh cho sự thờ ơ của họ. Ngoài ra, không ít người được giao nhiệm vụ bảo trợ trẻ em và ngành giáo dục vẫn chưa nhận thức rõ về sự nguy hại của việc trừng phạt hay xâm hại về thể chất và tâm lý trẻ em. Thái độ phản đối của cộng đồng nói chung là còn nhẹ nhàng trước việc sử dụng các hình phạt đối với trẻ em, còn có nhiều người thiên về áp dụng “giải pháp mạnh” khi trẻ mắc lỗi, coi trọng “kỷ luật”, “dạy dỗ” thay vì chia sẻ, tác động nhẹ nhàng.
Sự thờ ơ, né tránh dẫn tới một thực tế là những nỗ lực về mặt truyền thông hay luật pháp không tạo ra được sự tiến bộ mà xã hội kỳ vọng. Đó là nguyên nhân quan trọng khiến cho nạn bạo hành trẻ em còn “đất sống”, có cơ phát triển, nuôi dưỡng cách thức giải quyết mọi vấn đề bằng cách đàn áp người nhỏ hơn và yếu hơn. Trẻ em bị bạo hành thì sau này, khi đã trở thành cha mẹ, họ có thể chọn cách thực hành tương tự đối với con mình. Đó là cơ sở dẫn đến vòng luẩn quẩn về bạo lực trong gia đình và trong cả xã hội.
- Đã có quy định rằng:“Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng bạo lực trẻ em thì người đứng đầu chính quyền đó phải chịu trách nhiệm”. Nhưng, trên thực tế có nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra trên cả nước nhưng chưa hề có một lãnh đạo chính quyền địa phương nào bị xử lý kỷ luật. Có phải chính điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi né tránh, thái độ thờ ơ của cộng đồng?
- Tôi nghĩ điều này đúng một phần. Nhưng như đã phân tích ở trên, khi quan niệm về sự trừng phạt trẻ em vẫn được nhiều người coi là một biện pháp giáo dục trẻ, một bộ phận trong cộng đồng coi đó là “chuyện gia đình”, “chuyện riêng” thì sự can thiệp về mặt pháp luật không dễ, nhất là khi các vụ việc chưa tới mức xử lý hình sự. Một vấn đề khác: Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Plan và Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển cho thấy có tới 94% trẻ em trong mẫu khảo sát bị trừng phạt về thân thể và tinh thần tại nhà, 93% bị phạt tại trường. Khi sự trừng phạt trẻ phổ biến như vậy thì không có lãnh đạo địa phương nào có thể làm gì được. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi có việc xấu xảy ra trên địa bàn, nhưng xã hội phải cùng nhau đưa ra phương cách tích cực, cùng hành động đúng đắn để giúp những người đứng đầu địa phương vào cuộc hiệu quả hơn, chủ động hơn.
- Làm thế nào để các cơ quan, tổ chức cùng vào cuộc chống lại nạn bạo hành trẻ em, thưa tiến sĩ?
- Theo tôi, chúng ta nên cân nhắc việc đưa tiêu chí “cộng đồng thân thiện với trẻ em” vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, cần xây dựng một xã hội thân thiện với trẻ, chứ không chỉ dừng lại ở mô hình “trường học thân thiện”. Bên cạnh đó, cần khuyến khích cha mẹ, thầy cô dùng phương pháp giáo dục tích cực (phi bạo lực) để thay thế trừng phạt, biến nó thành một trào lưu xã hội chứ không phải là chỉ áp dụng đối với những trường hợp riêng lẻ. Điều này liên quan đến việc thay đổi văn hóa giáo dục nên thời gian có thể phải tính bằng thế hệ.
- Xin cảm ơn tiến sĩ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.