(HNM) - Với phương châm “Nhận thức đúng, chỉ đạo toàn diện, thực hiện quyết liệt”, huyện Mỹ Đức đã và đang triển khai nhiều giải pháp để Năm trật tự và văn minh đô thị ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn.
Chân cầu Tế Tiêu trước đây là nơi tập kết rác nay trở thành điểm nhấn cảnh quan của thị trấn Đại Nghĩa. |
Đánh giá công tác thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều khẳng định, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền ở nhiều đơn vị, địa phương đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, quản lý đất đai… so với những năm trước. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để kinh doanh, buôn bán; lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, xây dựng trái phép; đổ phế thải, rác thải sinh hoạt ra nơi công cộng… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do ý thức, trách nhiệm của một số cán bộ, người dân chưa cao; chính quyền một số địa phương chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao…
Phân tích cụ thể một số tồn tại trong thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị, Đại tá Lê Xuân Văn, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức cho rằng: Nếu tất cả cán bộ, đảng viên khi tham gia giao thông đều đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia, không đỗ xe dưới lòng đường, không can thiệp vào công việc xử lý của lực lượng cảnh sát… thì không chỉ góp phần làm giảm số vụ vi phạm mà còn tác động tích cực đến nhận thức, ý thức về giao thông của quần chúng, nhân dân. Sau mỗi đợt giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, nếu chính quyền cơ sở quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm mọi trường hợp… thì nhiều người sẽ không dám và không có cơ hội tái phạm…
Qua tìm hiểu tình hình, các đợt ra quân xử lý vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai… thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao do một số cán bộ cấp cơ sở còn yếu về kiến thức chuyên môn, pháp luật và chưa thật sự quyết liệt trong xử lý vi phạm… Đơn cử, về vấn đề vệ sinh môi trường, có người mặc dù giữ trọng trách xã hội nhưng chưa gương mẫu chấp hành quy định pháp luật, vận động người thân trong gia đình, dòng họ không xả rác sinh hoạt, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, làm sạch đường làng, ngõ xóm… nên cảnh quan ở một số nơi còn nhếch nhác.
Ngoài những hạn chế về nhận thức, ý thức trong thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị, huyện Mỹ Đức cũng chỉ ra một số bất cập khác liên quan công tác quy hoạch xây dựng, sử dụng đất đai, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì, bảo đảm vệ sinh môi trường, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn, huyện Mỹ Đức vừa tổ chức hội nghị và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương theo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”; coi đây là nhiệm vụ chính trị, tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm của các địa phương. Thể hiện quyết tâm này, huyện Mỹ Đức đã thành lập Đội quy tắc trật tự xây dựng, với các thành viên là lãnh đạo Công an huyện, Phòng Quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng, Thanh tra giao thông…
Đội quy tắc trật tự xây dựng được giao nhiệm vụ là lực lượng xung kích, trực tiếp tham mưu cho UBND huyện, Ban An toàn giao thông huyện xử lý các vi phạm trật tự xây dựng, đô thị… Các ngành, đoàn thể của huyện như: Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… cũng ký cam kết tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân gương mẫu thực hiện, chấp hành quy định pháp luật giao thông, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường…
Huyện Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch xác định rõ từng lĩnh vực, thời điểm, địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư, thực hiện: Đối với các địa phương trọng điểm về dân số, giao thông, lễ hội như thị trấn Đại Nghĩa, xã Hương Sơn, Phúc Lâm… là tập trung giải tỏa vi phạm lòng, lề đường; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng, chỉnh trang đô thị… Với những xã phát triển mạnh về nghề thủ công truyền thống, chăn nuôi gia súc, gia cầm như Phùng Xá, An Mỹ, Lê Thanh, Hợp Thanh… sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống thu gom, xử lý, vận chuyển chất thải, quy hoạch khu sản xuất tập trung…
Thiết nghĩ, với chuyển biến đầu tiên từ nhận thức của cấp ủy, chính quyền và với cách làm có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện đồng bộ giải pháp trên, huyện Mỹ Đức hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trở thành địa chỉ xanh về môi trường trong năm 2020 như nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.