Đời sống

Năm Rồng với sức mạnh và niềm tin mãnh liệt

Nguyễn Vũ 13/02/2024 08:14

Rồng là con vật duy nhất trong 12 con giáp không tồn tại trong thực tế. Tuy nhiên, hình ảnh Rồng luôn là biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam.

Trong văn hóa phương Đông, hình tượng con Rồng được biểu trưng hóa thành cái tuyệt mỹ, là đại diện cho quyền lực tuyệt đối và cũng là biểu tượng của hạnh phúc trọn vẹn. Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (long, ly, quy, phượng). Trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, rồng còn tượng trưng cho thần linh, cho mây, mưa, sấm chớp... và gắn liền với truyền thuyết con Rồng, cháu Tiên.

doi-rong-da-tai-dien-kinh-t.jpg
Đôi rồng đá tại điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long). Ảnh: Hoàng Hiếu

Uy quyền nhưng gần gũi

Là người Việt Nam, hẳn ai cũng biết, rồng gắn liền với truyền thuyết Hồng Bàng Thị, mang ý nghĩa nguồn cội, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, xứng danh con Rồng, cháu Tiên ngàn đời nay. Tổ tiên người Việt Nam bắt nguồn cơ duyên cha Lạc Long Quân (vốn là Rồng) lấy mẹ Âu Cơ (dòng dõi Tiên). Bà Âu Cơ sinh được trăm trứng, nở ra trăm con. Năm mươi người con theo cha xuống biển. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu lập nước Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương. Từ đó, người Việt Nam luôn tự hào vì dòng dõi Tiên Rồng của mình.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Minh Tường, trong tâm thức của dân gian, con rồng xuất hiện đầu tiên với tín ngưỡng biểu trưng cho nguồn nước, mà Việt Nam là một đất nước văn minh nông nghiệp lúa nước. Rồng gắn liền với nước và nước là hiền hòa, cho cây trồng tươi tốt. Người ta thấy được vai trò quan trọng của con rồng, nên rồng được gắn với quyền lực. Qua tiến trình lịch sử hàng nghìn năm, hình tượng rồng trở thành một linh vật hết sức gần gũi và cũng tôn nghiêm của người Việt Nam.

Trong văn hóa Việt Nam, rồng là linh thú đứng đầu trong 4 linh vật thần thoại được dân gian tôn kính, thờ cúng. Hình ảnh rồng còn được nhìn thấy trong những không gian tín ngưỡng của người Việt Nam như: Chùa chiền, lăng tẩm, miếu thờ… Rồng là linh vật tổng hợp từ nhiều loài vật có thật trong tự nhiên, do vậy rồng mang trong mình hết thảy các ưu thế vượt trội của các loài, trong đó sức mạnh và quyền năng thiên biến vạn hóa là hai đặc tính quan trọng. Rồng được cho là biểu trưng của sự mạnh mẽ, hùng tráng, là uy lực bất bại trước kẻ thù. Chúng ta thường thấy hình ảnh rồng luôn trong tư thế nằm chầu, rồng cuốn quanh cột xây, rồng nằm uốn lượn trên mái đình. Hình ảnh này chính là biểu tượng cho sự che chở, phục vụ, luôn sẵn sàng bảo vệ.

Dẫu trong hình thế nào, rồng vẫn là linh vật mang đến cho con người điềm lành, hạnh phúc và sự thịnh vượng. Rồng của người Việt Nam là sự kết hợp một hoặc vài bộ phận cơ thể của nhiều linh vật khác nhau: Rồng có mũi, trán kỳ lân, bờm sư tử, sừng nai, mắt cá, miệng hổ, mình rắn, chân chim ưng, vẩy cá chép, râu và đuôi tôm… tất cả các bộ phận được phối triển một cách nhuần nhuyễn, hợp lý, cân đối và hài hòa, tạo nên một long hình (dáng rồng) uy nghiêm, trầm viễn, hùng dũng và phong thái cao sang, quý phái. Rồng bay thanh thoát, rồng nằm đĩnh đạc…, oai linh mà không độc ác, trang nhã mà uy nghiêm. Người xưa quan niệm trong nhà có tranh tượng rồng (long tượng) hay long phù (một mặt rồng chạm nổi) thì chẳng có ma quỷ, ác thú, tà thần nào dám bén mảng. Chính vì thế mà rồng đã gắn bó với con người và đời sống; rồng được tôn thờ trong tín ngưỡng bái vật và văn hóa tâm linh của người cổ đại, được thần linh hóa trong những huyền thoại, sự tích.

Trong tâm thức của người Việt Nam xưa và cả ngày nay, rồng là bản mệnh của thần, là biểu tượng của nhất nguyên vũ trụ, hội tụ cả âm - dương, trời - đất, có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới nông nghiệp lúa nước - một nghề tối cổ trên đất Việt Nam, được hình thành trên cơ sở của hai yếu tố tự nhiên khởi nguyên là đất và nước.

Nhìn từ góc độ văn hóa, rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt Nam. Ngay từ thời Lý, Trần, rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng nhất trong các công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà, chùa Phật Tích, ở tháp Chương Sơn, chùa Phổ Minh. Thời Lê Sơ, hình tượng rồng phổ biến trên các bia đá. Do được tạo tác trên chất liệu này nên hầu hết các hình rồng đến nay còn tương đối nguyên vẹn. Điển hình là đôi rồng đá ở điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long, rồng đá trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ở các bia lăng, mộ vua chúa nhà Lê, ở Lam Kinh, Thanh Hóa…

Gửi gắm ước vọng

Có những đặc tính được tạo thành từ sự kết hợp của tự nhiên, do vậy, rồng mang trong mình hết thảy các ưu thế vượt trội của mọi loài vật. Rồng có sự mạnh mẽ phi thường, biểu tượng của sức mạnh hùng tráng, uy lực trước mọi kẻ thù. Với tính năng siêu việt đó, rồng được tin là vật mang lại điềm lành, sự may mắn, thịnh vượng. Đồng thời là sự tin tưởng gửi gắm ước vọng của con người cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu phồn thực. Rồng xuất hiện là biểu tượng của chân, thiện, mỹ. Nơi có thế rồng cuốn được coi là long mạch, vượng khí; có mồ mả, nhà cửa tọa lạc trên những khu đất này sẽ được coi là đắc địa, giúp nhiều đời con cháu phồn thịnh, phát tài, phát lộc đế vương.

Là con vật huyền thoại nhưng phổ biến, vừa cao quý, độc đáo, diệu kỳ lại vừa thân quen, gần gũi và giàu ý nghĩa biểu tượng, rồng (long) được lấy làm hình ảnh ẩn dụ sinh động cho nhiều câu thành ngữ, tục ngữ dân dã mà thâm thúy của người Việt Nam. Có thể kể ra đây: Ăn như rồng cuốn (ăn nhanh, ăn đến đâu hết đấy); Ăn như rồng cuốn, làm như cà cuống lội nước/uống như rồng leo, làm như mèo mửa (ăn nhiều, ăn tham mà làm ít, cẩu thả, ăn thật làm chơi); Cá chép hóa rồng (học trò đi thi được đỗ đạt vinh hiển; người được thỏa chí, toại nguyện, thành đạt); Cá gặp nước, rồng gặp mây (gặp môi trường thuận lợi, tương hợp, may mắn; cảnh sum vầy, hội ngộ); Chạm rồng trổ phượng (trang trí lộng lẫy, tinh xảo, cầu kỳ; sự tô điểm rối rắm, rườm rà); Con Rồng cháu Tiên (dòng dõi đầy tự hào của dân tộc Việt Nam); Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng, chiếu hoa nệm gấm không chồng cũng hư (một quan niệm đề cao hạnh phúc gia đình); Dựa mạn thuyền rồng (được vua chọn làm cung phi, làm vợ hoặc lấy được người giàu sang); Đầu rồng đuôi tôm/rắn (Việc khi đầu thì hưng thịnh, sau thì suy yếu hoặc chuyện lúc khởi đầu có vẻ to tát, đẹp đẽ nhưng kết thúc lại chẳng ra gì); Đẹp duyên cưỡi rồng (lấy được người chồng lý tưởng)...

Ngày nay, hình tượng con Rồng vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật. Hình tượng rồng còn rất phổ biến trong các vấn đề tâm linh, thờ cúng như: Tượng rồng đặt trên bờ nóc, bờ mái đình, chùa tạo sự trang nghiêm và tiêu trừ các thế lực hắc ám...; chi tiết rồng chầu nguyệt được vẽ trên các sản phẩm đồ thờ (bát hương, bát cúng, đĩa cúng,...) thể hiện sự tôn kính.

Sở dĩ hình tượng rồng thường được sử dụng ở các khu vực linh thiêng và trang nghiêm bởi lẽ linh vật này được xem là sự đại diện của các vị thần có sức mạnh tối cao, là biểu tượng của trời đất. Trong xu hướng hiện nay nhiều họa sĩ tìm về khai thác các giá trị văn hóa, mỹ thuật truyền thống trong tác phẩm hội họa đương đại. Đặc điểm chung của khai thác hình tượng rồng trong các tác phẩm hội họa của họa sĩ đương đại là sự chắt lọc cấu trúc những nét tinh túy của hình tượng đưa vào bố cục hiện đại, cùng biểu cảm của việc thể hiện bằng những chất liệu, như: Sơn dầu, sơn mài, đồ họa, nhằm tạo nên tác phẩm đậm tính văn hóa Á Đông, qua đó, tôn vinh, giới thiệu cùng bạn bè quốc tế những giá trị văn hóa, thẩm mỹ truyền thống của dân tộc. Vì vậy, mà hình tượng rồng không ngừng được làm mới, tạo ra những giá trị thẩm mỹ hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Biểu tượng con rồng của năm Giáp Thìn 2024 tượng trưng cho sức mạnh, niềm tin mãnh liệt. Xuân đã về trên khắp nẻo đất Việt, với những thành tựu đạt được trong năm qua, với bản lĩnh, xung lực và tinh thần đoàn kết cùng chung nguồn cội của triệu triệu con Rồng, cháu Tiên, chúng ta tin tưởng rằng, với sự vào cuộc, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ, hợp tác, đồng hành của cộng đồng quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư…, không có khó khăn, thách thức nào ngăn trở được sự phát triển của Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định là nền kinh tế năng động, phát triển, sớm vươn mình trở thành một con rồng mới của khu vực châu Á.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm Rồng với sức mạnh và niềm tin mãnh liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.