Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị với các địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài những tháng đầu năm 2024 và các biện pháp tăng cường giải ngân do Bộ Tài chính tổ chức chiều 21-5.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2024, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là 24.172,86 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công là 9.456,86 tỷ đồng (53/63 địa phương), vốn vay lại là 14.716 tỷ đồng (51/63 địa phương).
Tính đến 15-5, tỷ lệ kế hoạch vốn các địa phương đã phân bổ và nhập Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) cho các dự án đối với vốn đầu tư công ngân sách trung ương là 91,7% kế hoạch vốn được giao, vốn vay lại 84,2% kế hoạch vốn được giao.
Lũy kế giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương tính đến ngày 15-5 là 5,7% kế hoạch vốn được giao (tính cho cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại), cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 4,9%. Mới có 5/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, 28/53 địa phương chưa giải ngân vốn ngân sách trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Những vướng mắc được đưa ra là vướng mắc trong khâu điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư.
Bên cạnh đó là vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân; thiếu kế hoạch vốn (cả cấp phát và vay lại). Năm 2024, có một số địa phương lúng túng trong việc lập kế hoạch vốn, không dự kiến được tiến độ thực hiện dự án và số vốn cần giải ngân nên đã lập kế hoạch vốn không sát với thực tế, đặc biệt với các dự án có năm 2024 là năm giải ngân cuối cùng, dẫn đến việc thiếu hoặc không có kế hoạch vốn để giải ngân.
Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024, các giải pháp được đưa ra là Bộ Tài chính bảo đảm thời gian xử lý đơn rút vốn đúng quy định; tiếp tục trao đổi nhằm tháo gỡ vướng mắc về phía nhà tài trợ...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thủ tục trong việc gia hạn thời gian bố trí vốn; hướng dẫn rõ hơn cho các địa phương về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án đối với các dự án Ô (dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản dự án, thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dự án thành phần thuộc dự án) triển khai tại nhiều cơ quan.
Các địa phương cần rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, đặc biệt lưu ý các dự án có năm lập kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng, để bảo đảm đủ vốn, tránh việc phải gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.
Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, cần có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30-6 để phối hợp thực hiện…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.