Tính đến hết ngày 15-5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị với các bộ, ngành về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài những tháng đầu năm 2024 và các biện pháp tăng cường giải ngân do Bộ Tài chính tổ chức ngày 21-5.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Võ Hữu Hiển cho biết, theo báo cáo của các bộ, ngành trung ương và theo số liệu từ hệ thống TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), tính đến hết ngày 15-5-2024, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao; trong đó 2 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân trên 10% (Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 8 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.
Dự kiến đến hết tháng 6-2024, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành có thể đạt khoảng 15-17%, ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2023.
Đại diện các bộ, ngành đã thảo luận và xác định một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này như: Chậm giải phóng mặt bằng, chậm triển khai đấu thầu, thiết kế kỹ thuật; dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, hiệp định vay; chậm nhận được ý kiến của nhà tài trợ… Ngoài ra, trong các tháng đầu năm, một số bộ, ngành vẫn tập trung giải ngân kế hoạch vốn 2023 kéo dài.
Để tháo gỡ tình trạng trên, một số giải pháp đã được đưa ra như giám sát chặt chẽ tiến độ, tập trung triển khai thực hiện các dự án đã xong công tác chuẩn bị đầu tư; rà soát để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hoặc cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kịp thời hạn; khẩn trương xử lý vướng mắc giải phóng mặt bằng và các vướng mắc khác trong phạm vi thẩm quyền. Đối với các kiến nghị giải pháp vượt quá thẩm quyền, cần nhanh chóng tổng hợp, báo cáo.
Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thời điểm quan trọng trong việc tạo sự bứt phá và chuyển biến tích cực thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, đóng góp trực tiếp vào thúc đẩy hàng hóa sản xuất trong nước, phát triển cơ sở hạ tầng, tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển.
Vì vậy, Bộ Tài chính và các bộ, ngành thống nhất sẽ theo dõi sát sao và quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn như mục tiêu của Nghị quyết 01/NQ-CP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.