(HNMO) - Sáng 1-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.
Quang cảnh hội nghị. |
Trình bày báo cáo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học nêu rõ kết quả công tác tuyên giáo thể hiện trên 9 lĩnh vực. 6 tháng đầu năm 2018, ngành Tuyên giáo thành phố đã bám sát sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội, chủ động, tích cực tập trung triển khai các nội dung trọng tâm công tác tuyên giáo. Nổi bật là ngành đã tham mưu với cấp ủy các cấp triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) theo hướng đổi mới, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả.
Hệ thống Tuyên giáo thành phố cũng đã tham mưu thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) và học tập chuyên đề năm 2018, gắn với chủ đề công tác “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”, thực hiện 2 quy tắc ứng xử. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thông tin tuyên truyền kịp thời các sự kiện chính trị của đất nước và thành phố; chủ động thông tin, định hướng trước những việc “nóng”, phức tạp mà dư luận và nhân dân quan tâm.
Bên cạnh kết quả tích cực, Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng chỉ rõ 3 hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đáng chú ý, việc thông tin, định hướng dư luận xã hội, phản bác những thông tin sai lệch trên các trang mạng điện tử, mạng xã hội còn hạn chế. Mặc dù đã có một số đơn vị triển khai tốt, song còn nhiều đơn vị chưa coi trọng vấn đề này.
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long phát biểu tham luận tại hội nghị. |
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm hay, cũng như nêu đề xuất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo trong thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh, phản bác thông tin sai trái, xuyên tạc, phản động trên mạng xã hội, đại diện Ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội kiến nghị, cần phải có kế hoạch, tổ chức, bố trí lực lượng đấu tranh trực tiếp; huy động, tranh thủ những cán bộ, đảng viên, người có uy tín để lan toả những thông tin trung thực, góp phần định hướng thông tin cho người dân.
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long cho rằng, song song với sự chủ động, quyết liệt của các cơ quan báo chí trên mặt trận này, các cơ quan hành chính nhà nước phải làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với ngành tuyên giáo, với báo chí để chủ động làm tốt công tác truyền thông ngay từ sớm.
Kết luận hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, 6 tháng đầu năm, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đóng góp quan trọng vào kết quả chung trên các lĩnh vực của toàn thành phố. Có được kết quả đó là nhờ ngành Tuyên giáo thành phố đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình và tham mưu kịp thời với cấp ủy các cấp về công tác thông tin, tuyên truyền; từng bước nhận thức tính chất ngày càng khó khăn, phức tạp của công tác tuyên giáo trong bối cảnh mới để có giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo hướng ngày càng hiệu quả hơn. Vai trò, uy tín của hệ thống tuyên giáo được củng cố, nâng cao. Sự quan tâm và vào cuộc của các đồng chí bí thư cấp ủy đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực tuyên giáo ngày càng tăng.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị. |
Lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh, đây là thời điểm mỗi cán bộ tuyên giáo phải tự thay đổi nhận thức, đổi mới hành động để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, thích nghi với đòi hỏi, diễn biến tình hình mới đang đặt ra. Ban Tuyên giáo cấp ủy các cấp thành phố cần nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác; coi đây là mấu chốt để thực hiện thành công nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể yêu cầu hệ thống Tuyên giáo thành phố tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy, làm tốt hơn nữa việc nắm bắt dư luận xã hội, dự báo tình hình để tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, "hạ nhiệt" những địa bàn có nguy cơ trở thành điểm “nóng”. Ban Tuyên giáo cấp ủy các cấp thành phố cần tham mưu với cấp ủy có biện pháp cụ thể đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phản động trên mạng xã hội; phát huy tinh thần chủ động, không trông chờ chỉ đạo, hướng dẫn của thành phố.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cũng yêu cầu, Ban Tuyên giáo cấp ủy 10 quận, huyện chưa xây dựng bản tin nội bộ cần hoàn thành việc xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện trong năm 2018. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua năm nay. Từ kinh nghiệm của quận Ba Đình, Ban Tuyên giáo các quận, huyện, thị ủy còn lại tham mưu sớm để cấp ủy chỉ đạo thiết lập đường truyền trực tuyến tới tất cả các xã, phường, thị trấn, sẵn sàng phục vụ việc tổ chức các hội nghị trực tuyến từ trung ương, thành phố đến cơ sở, bảo đảm vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả; đồng thời chủ động cung cấp thông tin cho Trang tin điện tử của Thành ủy Hà Nội.
Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã công bố quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khen thưởng 10 tập thể, 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Trưởng ban Tuyên giáo sẽ đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Thông tin tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học cho biết, ngày 26-6-2018, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 95-KH/TU về “Thực hiện chủ trương Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã”. Theo đó, Thành ủy thống nhất tổ chức thực hiện chủ trương này trong tất cả các quận, huyện, thị xã của thành phố. Cán bộ kiêm nhiệm hai chức danh ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn chung theo Quyết định số 4652-QĐ/TU, ngày 19-6-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy, còn phải đáp ứng được 2 nhóm tiêu chuẩn cụ thể về “Phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng”; “Kiến thức, năng lực, trình độ chuyên môn”. Các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị khuyết Giám đốc thì thực hiện ngay chủ trương này. Các đơn vị khuyết Trưởng ban Tuyên giáo thì căn cứ vào quy hoạch, Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy sớm quyết định theo thẩm quyền. Trường hợp Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị đến tuổi nghỉ hưu trong năm 2018 thì chờ các đồng chí này nghỉ hưu mới thực hiện chủ trương trên. Với các đồng chí Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị đang là quận, huyện, thị ủy viên hoặc được quy hoạch nhiệm kỳ tiếp theo, thì cấp ủy căn cứ tình hình tổ chức cán bộ của địa phương để sắp xếp, bố trí chức vụ tương đương cho phù hợp. Các quận, huyện, thị xã khi thực hiện chủ trương này phải trao đổi với Ban Tuyên giáo Thành ủy và các đơn vị liên quan; trường hợp đặc biệt thì báo cáo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy để tổng hợp xin ý kiến Thường trực Thành ủy. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.