Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2015: Hà Nội sẽ có 35-40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Vân An| 21/04/2010 13:34

Một số mục tiêu của đề án "Xây dựng nông thôn mới của Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng 2030"


Phiên thảo luận về đề án "Xây dựng nông thôn mới của Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng 2030" sáng nay đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết của đề án nhưng cũng còn không ít băn khoăn.

Các đại biểu cho rằng, đề án cần phân tích rõ hơn để thấy được những nét đặc thù của nông thôn Hà Nội, những điểm khác biệt và mức độ chênh lệch về trình độ dân trí, hiện trạng cơ sở hạ tầng, mức sống của người dân giữa các vùng, khu vực nông thôn khác nhau trên địa bàn để có cơ sở xác định cơ cấu, hỗ trợ đầu tư hợp lý.

Từ kết quả đánh giá hiện trạng của nông thôn Hà Nội như trong đề án, trên cơ sở đối chiếu với 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, các đại biểu cho rằng, điểm xuất phát của Thành phố khi triển khai chương trình này giai đoạn hiện nay không phải ở mức cao, mới chỉ có 1/19 tiêu chí đạt, 10 tiêu chí cơ bản đạt, còn 8 tiêu chí chưa đạt, trong đó có những tiêu chí mới đạt khoảng 25%. Vì thế, mục tiêu mà đề án đặt ra sẽ là một thách thức không nhỏ. Nhất là với chỉ tiêu của giai đoạn từ nay đến năm 2015, phấn đấu để có 40-45% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, trong khi thời gian triển khai thực hiện nhắn, nhiều chỉ tiêu đang ở mức thấp.


Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 có 35-40% số xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới


Một số chỉ tiêu trong đề án cũng được các đại biểu đề nghị làm rõ như tiêu chí về thu nhập của người dân, quy hoạch, môi trường, lao động...

Theo các đại biểu, việc đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2012 hoàn thành việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới cho 100% xã là khó hoàn thành vì đến thời điểm này, còn hơn 34% số xã chưa có quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu, hơn 81% xã chưa có quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội…, chưa tính đến những xã đã quy hoạch nhưng sẽ phải điều chỉnh sau khi quy hoạch chung của Thành phố được phê duyệt.

Tiêu chí về thu nhập cũng cần tính toán lại cho hợp lý vì theo tiêu chí thu nhập bình quân/đầu người của xã nông thôn mới so với bình quân chung của các xã trên địa bàn Hà Nội phải đạt mức gấp 1,5 lần (tức khoảng 15-16 triệu đồng/người/năm), trong khi nhiều xã hiện mới đạt từ 6-9 triệu đồng/người/năm.

Nhiều đại biểu góp ý về cơ cấu nguồn vốn đầu tư, chỉ rõ căn cứ để khẳng định tính khả thi trong việc huy động từ nguồn lực xã hội hóa như đã đề cập trong đề án. Việc đề án triển khai dựa trên vốn ngân sách và có nguồn gốc từ ngân sách chiếm tới 55,8%, đặc biệt giai đoạn 2010-2015 chiếm 62,39% là không phù hợp với định hướng của Trung ương và quan điểm chỉ đạo của Thành ủy về xây dựng nông thôn mới bằng nội lực là chính.

Đại biểu Đặng Thị Loan đề nghị, đề án cần làm rõ số vốn đầu tư cho đề án là 32.000 tỷ đồng có thực tế không. Theo bà, nguồn vốn này nên được dồn tập trung cho một số xã, không nên dàn trải ra hơn 400 xã của toàn thành phố. Bà Loan cũng băn khoăn về chỉ tiêu mà đề án đặt ra là tới năm 2015, Hà Nội có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

"Con số này liệu có khả thi không khi mà tới năm 2012 chúng ta mới hoàn chỉnh được quy hoạch nông thôn, sau đó mới có kế hoạch rồi mới thực hiện được?", bà Loan băn khoăn.

Lo lắng về số vốn đề án dự trù chưa hợp lý, đại biểu Đinh Mạnh Tuân thẳng thắn: "Tôi cho rằng chỉ có 32.000 tỷ thì không làm nổi nông thôn mới. Vì nông thôn mới là toàn diện cả cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, cơ cấu kinh tế…".

Làm rõ thêm 2 điểm mà nhiều đại biểu quan tâm về nguồn vốn đầu tư và chỉ tiêu số xã đạt chuẩn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trịnh Duy Hùng khẳng định, việc đề ra chỉ tiêu 40-45% số xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới vào năm 2015 là đã có cân nhắc và nếu Thành phố quyết tâm cao thì sẽ đạt được.

"Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 là một nước công nghiệp phát triển, mà Hà Nội phải đi trước một bước nên không có lý do gì đến thời điểm đó, Hà Nội lại chưa đạt được các tiêu chí nông thôn mới", Phó chủ tịch nói.

Về tổng vốn đầu tư của đề án, Phó chủ tịch cho rằng, con số nêu ra là để đánh giá tổng thể đề án, còn đến năm 2015, khi tiến hành tổng kết, đánh giá đề án giai đoạn 1 thì sẽ có các bước điều chỉnh cụ thể tiếp theo cho phù hợp.

Trên cơ sở cân nhắc, tiếp thu các ý kiến đóng góp, HĐND Thành phố đã nhất trí thông qua nghị quyết về Đề án "Xây dựng nông thôn mới của Hà  giai đoạn 2010-2020, định hướng 2030" với các tiêu chí như UBND Thành phố đã trình, chỉ điều chỉnh duy nhất một chỉ tiêu về số xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới từ mức 40-45% xuống mức 35-40%.


Một số mục tiêu của đề án "Xây dựng nông thôn mới của Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng 2030"

Mục tiêu của đề án là xây dựng nông thôn mới Thủ đô Hà Nội kinh tế phát triển toàn diện, bền vững; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 có từ 35-40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2020 có từ 40-45% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới ở 401 xã trong Thành phố.

Một số tiêu chí cụ thể như sau:

- Ưu tiên bố trí 100% kinh phí từ ngân sách để hoàn thành việc lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới vào năm 2012.

- Tập trung huy động nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp 296 trạm bơm, xây mới 224 trạm bơm tưới tiêu, kiên cố 2.755km kênh mương nội đồng do cấp xã quản lý để phục vụ sản xuất.

- Đối với trường học, đầu tư xây mới và nâng cấp cải tạo, mua sắm trang thiết bị học tập, phấn đấu đến năm 2015 có 100% số trường được kiên cố hóa và được trang bị đồng bộ thiết bị học tập, có 55% số trường đạt chuẩn quốc gia.

- Phấn đấu 100% số xã, thôn có nhà văn hóa, khu thể thao

- Xóa 2974 nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng vào năm 2011; tuyên truyền vận động, hướng dẫn các hộ thực hiện chỉnh trang, cải tạo 76.077 ngôi nhà để đạt chuẩn. Phấn đấu đến năm 2015 có 100% nhà ở dân cư nông thôn đạt tiêu chuẩn.

- Thực hiện việc xã hội hóa về xây dựng hệ thống thông tin và truyền thông, phấn đấu đến năm 2011 đạt 100% số xã có internet, đến năm 2013 đạt 80% số thôn có internet.

- Phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành cải taọ, nâng cấp hệ thống điện nông thôn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật ngành điện, thực hiện bán điện trực tiếp cho 100% số hộ sử dụng.

- Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành việc bê tông hóa hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn xóm, 40% đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng.

- Tập trung xây mới 69 chợ nông thôn ở những xã chưa có; cải tạo nâng cấp 75 chợ đã có nhưng chưa đạt chuẩn, phấn đấu đến năm 2015 có 75% số chợ nông thôn đạt chuẩn.

- Về môi trường, phấn đấu đến năm 2015 có 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 60% dân số được sử dụng nước sạch; 100% số xã thành lập tổ thu gom rác và 60% rác thải sinh hoạt được xử lý theo quy trình hợp vệ sinh có kiểm soát; 100% nghĩa trang có ban quản trang và quy chế quản lý nghĩa trang...

- Về văn hóa -giáo dục: Phấn đấu 95% số học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục vào học THPT và đến năm 205 hoàn thành phổ cập bậc THPT, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%; đến năm 2015 có 60% số làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, trong đó 45% số xã có từ 70% số thôn trở lên dạt danh hiệu làng văn hóa.

- Về kinh tế và sản xuất nông thôn: Phấn đấy nâng cao thu nhập bình quân dầu người các xã nông thôn mới đạt cao hơn 1,5 lần so với bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn Thành phố, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn dưới 25%.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm 2015: Hà Nội sẽ có 35-40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.