(HNMO) - Trong năm 2013, Kakao Talk, Zalo và Line cạnh tranh khốc liệt nhằm sở hữu thị phần người dùng tại Việt Nam.
Các cột mốc 2013
Đầu năm 2013, thị trường ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) tại Việt Nam rất sôi động với những chiến dịch quảng bá rầm rộ của 4 sản phẩm chính: Wechat, Line, Kakao Talk và Zalo. Trong các sản phẩm này, Wechat mạnh nhất với số lượng người dùng đạt gần 1 triệu, còn Zalo (sản phẩm Việt Nam duy nhất) đứng cuối bảng và vừa “chết hụt” vì đi sai đường khi mới ra đời.
Tuy nhiên, thế trận có chút thay đổi khi ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) Việt Nam là Zalo có bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng App Store (đứng số 1) sau những cải tiến mạnh mẽ về sản phẩm với việc chỉ tập trung vào nhắn tin nhanh, ổn định nhất trên mọi hạ tầng viễn thông. Cuối tháng 1/2013, Wechat gặp scandal tích hợp bản đồ “Đường lưỡi bò” vào sản phẩm và bị người dùng Việt Nam phát hiện. Kể từ thời điểm này, Wechat lao dốc và mất vị trí dẫn đầu trên thị trường.
Trong khi đó, OTT đến từ Nhật Bản (Line) tận dụng cơ hội vượt lên với những chiến dịch quảng cáo truyền hình, ngoài trời, khuyến mại lớn… và trở thành OTT đầu tiên đạt 1 triệu người dùng vào cuối tháng 2/2013. Trong khi đó, ứng dụng Việt Nam cũng nỗ lực hết sức với việc cải tiến sản phẩm liên tục, tung các chiêu quảng bá thông minh qua sao Việt, trên các ứng dụng di động và với những câu chuyện truyền cảm hứng… Zalo đạt 1 triệu người dùng vào đầu tháng 3. Kakao Talk - OTT đến từ Hàn Quốc cũng cán mốc này vào thời điểm tương tự.
Cũng kể từ thời điểm này, cuộc đua “tam mã” (Line, Zalo, Kakao Talk) diễn ra vô cùng quyết liệt với những chiến dịch quảng bá cực lớn. Line oanh tạc quảng cáo trên các trang báo điện tử, quảng bá ngoài trời, kèm theo những chương trình khuyến mại lớn… Kakao Talk tung bom tấn quảng cáo ồ ạt trên truyền hình vào giờ vàng, quảng cáo ở các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại… Cả 2 OTT ngoại đều tung nhiều triệu USD cho trận quyết đấu về truyền thông.
Tháng 5/2013, Zalo đánh dấu bước nhảy vọt so với các OTT ngoại với việc là ứng dụng đầu tiên vượt mốc 2 triệu người dùng - và trở thành sản phẩm có khả năng phát tán tự nhiên như Facebook. Kể từ thời điểm này, ứng dụng Việt Nam tăng tốc mạnh mẽ và vượt trội so với 2 đối thủ ngoại là Line và Kakao Talk sau những cải tiến tốc độ nhắn tin và chạy ổn định trên mọi hạ tần viễn thông 2,5G – 3G và Wifi tại Việt Nam.
Cuộc chiến OTT 2013 tạm ngã ngũ khi Zalo công bố đã vượt mốc 7 triệu người dùng vào dịp cuối năm trong khi Line chỉ dừng lại ở con số khoảng hơn 4 triệu, còn Kakao Talk đã âm thầm rút khỏi Việt Nam.
Bình luận về cuộc chiến xây dựng sản phẩm OTT cạnh tranh tại thị trường Việt, ông Nguyễn Thế Tân, Phó tổng giám đốc VC Corp cho rằng: “Cuộc cạnh tranh giữa các OTT không căn cứ vào việc họ có nhiều tính năng mới hay ho, hoành tráng hay không mà ở việc có nhắn tin nhanh, ổn định hay không. Phần lớn người dùng chỉ quan tâm đến tính năng cơ bản chứ ít sử dụng các tính năng đặc sắc, nó chỉ tô màu cho ứng dụng mà thôi. Và ứng dụng nào làm cái cơ bản tốt ở một thị trường mới, sơ khai thì sẽ vượt lên”.
Viễn cảnh 2014
Gần cuối năm 2013, vào đúng đêm Giáng sinh (24/12/2013), một sự kiện âm nhạc được tổ chức tại Phú Mỹ Hưng, TP.HCM với nhà tài trợ chính là Viber (OTT đến từ Israel), đánh dấu sự gia nhập chính thức của sản phẩm này trong cuộc chiến OTT tại Việt Nam.
Năm 2014, OTT tại Việt Nam được dự báo sẽ nổ ra một cuộc đua song mã giữa Viber và Zalo. Đây được xem là cuộc chiến còn khốc liệt hơn bởi cả hai sản phẩm đều có những lợi thế nhất định và cách biệt về người dùng là không quá nhiều, dẫn đến bất kỳ cuộc bức phá nào cũng có thể xảy ra. Viber đang manh nha đánh vào đối tượng người dùng thường xuyên thực hiện các cuộc gọi từ nước ngoài và được nhiều người dùng Việt Nam biết đến. Trong khi đó, Zalo có lợi thế hơn tại thị trường trong nước với 7 triệu người dùng, 75 triệu tin nhắn được gửi đi mỗi ngày, có “kinh nghiệm chiến trường” với các OTT ngoại như LINE (Nhật Bản) và Kakao Talk (Hàn Quốc).
Song hành cùng cuộc chiến giành thị phần tại Việt Nam, năm 2014 cũng được dự đoán là năm các OTT triển khai các hoạt động kinh doanh và minh chứng liệu các hình thức này có hoạt động hiệu quả tại một thị trường ưa dùng hàng miễn phí như Việt Nam. Viber sẽ bắt đầu công cuộc kiếm tiền thông qua việc thu phí gọi điện đến số máy bàn thông qua dịch vụ Viber Out. Trong khi đó, với những bước đi thận trọng, Zalo được chờ đợi sẽ có sự bùng nổ, khi có tin đồn họ đang phát triển nền tảng game cũng như tích cực nhắm tới giới trẻ, với sự hỗ trợ của những thương hiệu hàng đầu thế giới ở nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.