Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2013, TP Hà Nội sẽ có Ban chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp

Lan Hương| 15/11/2012 12:52

(HNMO) – Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tại Hội nghị “Các giải pháp hỗ đẩy mạnh SXKD nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế Thủ đô năm 2012” do Sở Công thương Hà Nội tổ chức, diễn ra trong sáng 15/11.

.

Báo cáo tại hội nghị, bà Đào Thu Vịnh – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2012 trên địa bàn TP Hà Nội vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất do lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, chi phí đầu vào tăng, sức mua giảm, tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho tăng. Chủ động với những khó khăn chung của nền kinh tế, TP Hà Nội đã tập trung triển khai tích cực, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất. Những giải pháp này đã bước đầu phát huy tác dụng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã dần khắc phục những khó khăn, chủ động trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,1% so cùng kỳ (toàn quốc tăng 4,5%) trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 3,9%; công nghiệp chế biến tăng 4,7%; sản xuất, phân phối điện tăng 10,7%; cung cấp nước, xử lý nước thải và thu gom rác tăng 16,7%.

Tình hình tồn kho của các ngành cơ bản đã giảm so với những tháng đầu năm. Cụ thể, ngành sản xuất chế biến thực phẩm tồn kho 8 – 10%; ngành thiết bị điện, động cơ điện, máy công cụ tồn kho 18 – 20%, ngành vật liệu xây dựng tồn kho 28 – 30%; ngành sản xuất lắp ráp ô tô tồn kho 28 – 30%.


Tại hội nghị, bà Vịnh cũng cho biết thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường. Theo đó, TP đã thực hiện một loạt giải pháp như: TP giao Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành triển khai việc hỗ trợ lãi suất vay sau đầu tư cho các doanh nghiệp. Thực hiện dự toán ngân sách năm 2012, ngân sách TP đã bố trí 100 tỷ đồng cho đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm hỗ trợ đầu tư các dự án xây dựng nhà máy giết mổ gia súc gia cầm, hỗ trợ cho các dự án xã hội hóa, hỗ trợ điện nông thôn, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, năm 2012, TP đã tạm ứng 376 tỷ đồng từ ngân sách TP để dự trữ 10 nhóm hàng thiết yếu. Đến nay TP đã thực hiện giải ngân 328 tỷ đồng cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa.

Theo bà Vịnh, dự kiến trong thời gian tới, TP tiếp tục thực hiện có hiệu quả, nghiêm túc Nghị quyết 13 ngày 10/5/2012 của Chính phủ; Duy trì thường xuyên việc tổ chức giao ban doanh nghiệp để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm và duy trì tăng trưởng; Triển khai có hiệu quả Kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP năm 2012 và 2013; Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: tổ chức 231 chuyến đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất theo kế hoạch đã gửi Sở Công thương.

Tiếp theo đó là triển khai thực hiện các giải pháp quy hoạch của ngành công nghiệp và thương mại; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xây dựng đề án thu hút đầu tư phát triển công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, công nghệ cao theo hướng hiện đại…; Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường; Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các chương trình, kế hoạch đã được UBND TP ban hành nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh…

Nêu lên những sáng kiến tháo gỡ khó khăn của đơn vị mình, tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thanh – Phó Tổng giám đốc Công ty CP xích líp Đông Anh cho biết: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất phụ tùng, phụ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước; 10 tháng đầu năm công ty có doanh thu bằng 85% cùng kỳ năm trước. Công ty đã phát động Hội thi sáng kiến để nâng cao sức sáng tạo, lao động của CBCNV. Ban Giám đốc yêu cầu tất cả các bộ phận phải tìm ra thiếu sót của đơn vị mình trong từng tháng để thẳng thắn rút kinh nghiệm. Doanh nghiệp mong muốn TP và các sở, ban, ngành cần tạo nên nhiều nguồn vốn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, xem xét và ổn định về thuế đất, tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp về vay vốn.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Cường – Giám đốc Công ty CP Hanel xốp nhựa chia sẻ: Công ty được thành lập từ năm 2004, sản xuất linh kiện điện tử lớn cho các công ty nước ngoài điện tử lớn tại Việt Nam. Với ngành công nghiệp hỗ trợ, các tập đoàn nước ngoài đầu tư rất lớn tại Việt Nam, nhưng nước ta chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Công ty mong muốn TP và các sở, ban, ngành hỗ trợ hơn nữa về lãi suất sau đầu tư.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: Chỉ còn 45 ngày nữa là kết thúc năm 2012. Hiện tình hình kinh tế của cả nước còn rất khó khăn. Năm 2012, dự kiến, GDP toàn quốc chỉ tăng 5,2%, của Hà Nội ước tính tăng 8,1%. Nhìn rộng ra toàn thế giới, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, kinh tế toàn cầu cũng chỉ tăng trưởng khoảng hơn 3%.

Tại Hà Nội nhiều đơn vị SXKD có doanh thu rất thấp, lỗ nhiều. Trong thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, các Sở, ngành của TP, các đơn vị chức năng như Cục Thuế, Hải quan, ngân hàng cũng đã vào cuộc rất tích cực. Bên cạnh đó các DN cũng phải tự tìm giải pháp để cứu lấy mình. TP cũng cố gắng cho hỗ trợ sản xuất nhưng chủ yếu cho phần đầu tư.

“Vừa qua chúng ta phải “chiến đấu” với gà nhập lậu, ở biên giới bán có 15.000đ/kg, về Hà Nội là 70.000đ/kg. Nhưng loại gà này ở bên đó họ không ăn, dùng làm phân bón, vì gà nhiễm hóa chất, xét nghiệm dương tính, ăn vào bị bệnh. TP, Sở Công thương đã kiên quyết ngăn chặn, tăng cường đưa gà chăn nuôi của ta vào tiêu thụ, vừa thúc đẩy được sản xuất trong nước, vừa đảm bảo được tiêu dùng cho nhân dân” – Phó Chủ tịch nói.

“Năm 2013 dự kiến còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta không bi quan, phải chủ động tháo gỡ giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và doanh nghiệp với doanh nghiệp. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải là hai đầu tầu thúc đẩy phát triển kinh tế. TP sẽ tích cực ủng hộ doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư, đi hội chợ, tìm kiếm bạn hàng; nhìn chung hỗ trợ nhiều mặt chứ không chỉ bằng tiền, bằng vốn… Mục tiêu số một là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong SXKD và dịch vụ. Hiện ngành dịch vụ du lịch của Hà Nội vẫn phát triển được. TP cũng sẽ tập trung phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Khu vực này doanh thu không cao nhưng giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Sở Công thương cần có những giải pháp sâu cho khu vực này” – Phó Chủ tịch cho biết thêm.

Bên cạnh đó, tại hội nghị, Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh việc cần huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để sử dụng vốn có hiệu quả. Nếu doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, ngân hàng cần phải tạo điều kiện; không cứng nhắc theo cơ chế hành chính. Một loạt quy hoạch ngành vừa được TP phê chuẩn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Năm 2013, TP sẽ có Ban chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn.

Đồng thuận với ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu, kết luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Công thương - Lê Hồng Thăng nêu rõ quyết tâm sẽ kiến nghị Chính phủ, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp đủ mạnh để vượt khó; đưa Hà Nội phát triển xứng đáng là đầu tầu kinh tế ở khu vực phía Bắc.

Tại hội nghị “Các giải pháp hỗ đẩy mạnh SXKD nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế Thủ đô năm 2012”, TP Hà Nội – Sở Công thương cũng đã công nhận lại (sau 24 tháng) sản phẩm công nghiệp chủ lực cho 31 sản phẩm của 28 doanh nghiệp; Công nhận mới 2 sản phẩm công nghiệp chủ lực trong năm 2012 là Nhựa cao cấp của Công ty CP Hanel xốp nhựa; và máy biến áp phân phối 3 pha của Công ty CP chế tạo cơ điện.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm 2013, TP Hà Nội sẽ có Ban chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.